Giữ tội báo cáo sai… để trị bệnh thành tích?

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đề xuất phi hình sự hóa bảy tội danh là tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế, tội tảo hôn, tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quy chế hành chính; tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng và tội hoạt động phỉ.

Trị bệnh thành tích

Theo TS Lê Đăng Doanh (Trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật Hà Nội), không thể bỏ tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế bởi đây đang là một thực trạng phổ biến, đang thành một thứ bệnh thành tích trong xã hội hiện nay. “Nói dối đã trở nên bình thường và đôi khi nói thật lại trở thành xa lạ. Báo cáo sai, báo cáo vượt quá thực tế trở thành bệnh thành tích. Đã là bệnh thì phải có thuốc và phải kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau nhưng liều thuốc kháng sinh mạnh nhất là luật hình sự” - TS Doanh thẳng thắn nhận xét.

Đồng tình, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc cũng nhận định hành vi báo cáo sai đang trở thành một căn bệnh nguy hiểm trong xã hội, xuất hiện ở mọi vấn đề, mọi lĩnh vực. Nếu bỏ tội danh này thì vô tình đã tạo điều kiện cho căn bệnh này phát triển.

Nhiều ý kiến nhận định không nên bỏ tội danh báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Ảnh minh họa: HTD

Tội tảo hôn: Giáo dục thay vì xử hình sự

Nếu như tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế được nhiều người đề nghị giữ lại trong BLHS thì đề xuất phi hình sự hóa hành vi tảo hôn lại được nhiều người ủng hộ.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn, việc xử lý hình sự hành vi tảo hôn để lại hậu quả rất lớn trong khi tính nguy hiểm của hành vi này không cao. “Họ đã có gia đình, con cái mà lại lôi họ ra xử lý hình sự thì hậu quả để lại cho xã hội là rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, con cái nheo nhóc không người chăm nom... Việc phi hình sự tội tảo hôn là hợp lý” - ông Hoàn nói. Riêng với hành vi tổ chức tảo hôn (cũng quy định tại Điều 148 BLHS), ông Hoàn cho rằng vẫn phải xử lý hình sự để răn đe người lớn.

Đồng tình, TS Lê Đăng Doanh cũng đề nghị dự thảo nên chọn biện pháp xử lý phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến một gia đình khi gia đình đó đang trong trạng thái bình thường. Khi có hành vi tảo hôn, họ yêu nhau và lấy nhau trước độ tuổi thì cơ quan chức năng nên sử dụng biện pháp giáo dục là chính hay áp dụng các biện pháp khác để xử lý mà không nhất thiết phải xử lý hình sự. Kèm theo đó, cơ quan chức năng cần phải tích cực tuyên truyền, giáo dục người dân ở thôn bản, cộng đồng về nếp sống văn minh, những tác hại kéo theo việc tảo hôn với nhiều hình thức khác nhau thông qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phim ảnh, sách báo... Những trường hợp cần thiết răn đe thì áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mạnh hơn như phạt tiền, các biện pháp giáo dục tại địa phương...

Không nên bỏ tội hoạt động phỉ?

Nhiều ý kiến cho rằng hành vi hoạt động phỉ ở Việt Nam vẫn có thể xảy ra và đây là tội phạm vô cùng nguy hiểm (Điều 83 BLHS) nên không thể bỏ.

Ông Đỗ Khắc Hường (cán bộ pháp chế Bộ Công an) và ông Nguyễn Quang Lộc (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) đều cho rằng nếu bỏ tội này thì sẽ không đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia. Ông Hường nhấn mạnh: “Nước ta có địa hình phức tạp, hiểm trở nên nguy cơ tiềm ẩn tội phạm này vẫn xảy ra. Vì vậy, nếu bỏ tội phạm này đi vì lý do ít xảy ra là không hợp lý”. Còn ông Lộc cho rằng việc giữ lại tội hoạt động phỉ là phù hợp để khi có sự cố xảy ra còn có quy phạm pháp luật hình sự xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm