Những ngày qua, liên tiếp nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết người và bị thương xảy ra ở nhiều địa phương khiến dư luận quan tâm (xem bài “Lao động bị nạn, khổ trăm bề” trên Pháp Luật TP.HCM ra ngày 17-4).
Trước tình hình đáng lo ngại này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh biện pháp trước mắt là cần thành lập đoàn điều tra, xử lý nghiêm minh; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng phải khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự của chủ sử dụng lao động.
.Phóng viên: Phần lớn sau các vụ TNLĐ, chủ sử dụng lao động thường giấu thông tin hoặc tự thỏa thuận với nạn nhân khiến cơ quan chức năng không xử lý được. Thứ trưởng nhận xét gì về vấn đề này?
+ Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: Việc người sử dụng lao động che giấu thông tin, không khai báo TNLĐ nghiêm trọng, chết người, sau đó tự thỏa thuận các chế độ đối với thân nhân người bị nạn vừa thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với xã hội, ý thức chấp hành pháp luật kém của người sử dụng lao động nhưng cũng thể hiện người lao động thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật.
Tôi nhấn mạnh hành vi che giấu, không khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về TNLĐ là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 146 của Bộ luật Lao động. Tại dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động đang trình Quốc hội cũng đưa hành vi này vào nhóm hành vi bị nghiêm cấm.
Hai công nhân Nguyễn Mạnh Hùng (49 tuổi) và Bùi Văn Thìn (39 tuổi) đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Vụ nổ ống dẫn khí lạnh tại Công ty TNHH Myung Sung Vina (Hàn Quốc, huyện Long Thành, Đồng Nai) chiều 14-4 đã làm anh Hùng gãy chân, anh Thìn hỏng một mắt. Ảnh: DUY TÍNH
. Thông thường qua các vụ tự thỏa thuận người lao động bị nhiều thiệt thòi. Làm sao giảm thiểu tình trạng che giấu này để bảo vệ quyền lợi người lao động?
+ Nhằm điều chỉnh các hành vi này, dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động có thiết kế các chính sách hỗ trợ người lao động khi bị TNLĐ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, các chế độ trợ cấp, phục hồi chức năng, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề. Hy vọng rằng những chính sách này sẽ giúp người lao động được hỗ trợ đầy đủ và toàn diện hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng thương lượng, che giấu, không khai báo.
. Ông vừa nói đến quỹ bảo hiểm TNLĐ, đề nghị nói rõ thêm quỹ này có ý nghĩa gì đối với người bị tai nạn?
+ Quỹ bảo hiểm TNLĐ là quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), do BHXH Việt Nam quản lý. Quỹ do người sử dụng lao động hằng tháng đóng 1% trên tổng quỹ lương. Quỹ sẽ chi trả trợ cấp đối với người lao động có tham gia quỹ mà bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trong quy định. Các khoản trợ cấp từ quỹ gồm: Trợ cấp bằng tiền cho nạn nhân hoặc thân nhân theo tỉ lệ suy giảm khả năng lao động; chi phí giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt; chi phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe…
Dự kiến khi trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động thì Quỹ TNLĐ sẽ bổ sung thêm một số nội dung chi: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị tai nạn trở lại làm việc; hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ.
. Sau khi bị nạn, không ít trường hợp người lao động bị chủ bỏ rơi khiến cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn. Hiện luật đã đủ ràng buộc chủ sử dụng phải có trách nhiệm gì đối với người lao động sau khi xảy ra tai nạn chưa, thưa ông?
+ Khi xảy ra TNLĐ, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị nạn đã được quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả cho người lao động tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán toàn bộ chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; bồi thường bằng tiền cho người lao động bị TNLĐ.
Ngoài ra, đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ theo quy định của Luật BHXH.
. Xin cám ơn ông.
Đứt cáp cần cẩu, nam công nhân chết thảm Khoảng 8 giờ ngày 17-4, tại Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã xảy ra một vụ TNLĐ khiến một người tử vong tại chỗ. Nạn nhân là anh Phan Hoàng Tâm (23 tuổi, tạm trú huyện Trảng Bom), công nhân của công ty. Theo tin ban đầu, anh Tâm dùng giàn cần cẩu để nâng máy gia công gỗ lên vị trí khác. Khi cẩu lên cao thì bất ngờ hệ thống cáp bị đứt, máy ép gỗ rơi trúng vị trí anh Tâm đứng. Được biết anh Tâm quê Quảng Nam, mới rời quê vào Trảng Bom xin làm công nhân. TIẾN DŨNG Đứt bàn chân do băng chuyền gạo cắt Ngày 17-4, BS Phan Dư Lê Thắng, khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết BV vừa cứu giữ bàn chân thành công cho bệnh nhân TVL (25 tuổi, Hậu Giang). Theo bệnh án, bệnh nhân L. làm công nhân bốc xếp gạo cho một nhà máy tại Tiền Giang. Trong khi bốc xếp gạo trên băng chuyền, anh L. bị trượt chân và bị băng chuyền cuốn vào cắt đứt mu bàn chân. Thấy bệnh nhân còn trẻ và là lao động chính nên các bác sĩ đã nỗ lực để cứu bàn chân cho bệnh nhân. DUY TÍNH 700 người lao động bị chết do TNLĐ tính bình quân trong ba năm 2011-2013. Số người lao động phải nghỉ việc từ một ngày trở lên do bị tai nạn ước tính mỗi năm trên 7.000 người. |