28 năm ngày thành lập báo Pháp Luật TP.HCM (17-9 -1990 - 17-9-2018)

Góp sức phản biện, cải cách chính sách

Một trong những hướng đi của Pháp Luật TP.HCM là đồng hành cùng cộng đồng kinh doanh trong việc phản biện các chính sách theo tinh thần “kiến tạo” mà Thủ tướng và Chính phủ nêu cao từ đầu nhiệm kỳ. Nhất là từ cuối năm 2017, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu phương châm 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” thì hoạt động xây dựng thể chế trong lĩnh vực kinh tế càng được đẩy mạnh hơn. Trong đó, Pháp Luật TP.HCM cũng góp một phần nhỏ bé của mình vào quá trình ấy.

Hồi hộp cùng doanh nghiệp gas

Trung tuần tháng 5-2018, đại diện của một công ty kinh doanh gas gọi điện thoại đến cho chúng tôi với giọng đầy lo lắng: “Nhà báo ơi, các doanh nghiệp (DN) (gas) sắp chết đến nơi rồi. Vì chỉ còn vài ngày nữa là thời hạn chuyển tiếp của Nghị định 19/2016 sẽ hết hiệu lực. Nghị định mới thì chưa ban hành. Chúng tôi lo quá, chỉ vài ngày nữa thôi là các sở Công Thương sẽ “tuýt còi” bắt các DN gas nhỏ phải dừng hoạt động”.

Trước đó, các DN nhỏ và vừa kinh doanh gas từ tháng 6-2016 đã đoàn kết với nhau để kiến nghị lên Chính phủ về những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) gây khó, thiếu thực tế. Chẳng hạn như quy định mỗi DN phải có 50.000 vỏ bình, có bồn chứa 300 m3.

Suốt hai năm ròng, các DN gas liên tục sống trong lo âu. Họ không dám đầu tư bởi chẳng biết đến khi nào thì nghị định mới ban hành. Mặt khác, không biết khi ban hành thì các ĐKKD vô lý kia có được bãi bỏ không.

Họ gặp gỡ, gửi kiến nghị, tham gia các buổi tham vấn do Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, VCCI… tổ chức. Dự thảo nghị định, theo lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đã được trình Chính phủ từ tháng 12-2017 theo hướng bỏ mọi rào cản. Ấy thế nhưng những thói quen quản lý từ một số bộ khác có vẻ vẫn là lực cản khiến nghị định chưa thể ban hành.

Nhiều doanh nghiệp gas vui mừng khi được gỡ bỏ nhiều quy định ràng buộc bất hợp lý. Ảnh: HTD

Nhiều DN gas từ miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ… liên tục phản ánh với Pháp Luật TP.HCM về những âu lo của mình. Những hồi hộp chờ quy định mới về gas đã được chúng tôi ghi nhận, phản ánh.

Nhưng đúng ngày 15-5, khi điều khoản chuyển tiếp của Nghị định 19/2016 hết hiệu lực, Sở Công Thương một số tỉnh phía Bắc đã ra thông báo cho các DN gas phải dừng hoạt động. Không thể tả hết nỗi thất vọng của các DN gas khi ấy.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng “đứng ngồi không yên”. Trao đổi, ông cho hay “đang xử lý”. Những người có thẩm quyền khi trao đổi ở hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 cũng cho biết đang xem xét… Cũng rất may, không có nhiều sở Công Thương yêu cầu các DN gas dừng hoạt động bởi họ cũng chờ đợi động thái của Chính phủ.

Tất cả đều nín thở chờ đợi… Và rồi cuối tháng 6 -2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 87/2018 về kinh doanh gas, gỡ bỏ nhiều quy định bất hợp lý, đem lại niềm vui cho hàng trăm DN. Các ĐKKD về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính rườm rà đã chính thức bị bãi bỏ.

Dù phải mãi 1-8 mới có hiệu lực nhưng cộng đồng DN kinh doanh gas đã chan hòa niềm vui. Họ cám ơn Chính phủ đã tháo gỡ cho họ khỏi những nỗi lo về một cuộc phá sản quy mô lớn. Nhưng quan trọng hơn, thị trường gas đã không rơi vào thế độc quyền.

Siêu thị một phen… hú vía

Cũng thời điểm ấy, tương tự các DN nhỏ và vừa kinh doanh gas, các siêu thị bị một phen hú vía khi Bộ Công Thương công bố dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối. Thật ra quản lý nhà nước thì luôn cần thiết để cân bằng thị trường, nhưng quản lý thế nào để đảm bảo quyền tự do kinh doanh, phù hợp quy luật thị trường lại là câu chuyện khác.

Các siêu thị và những người kinh doanh siêu thị bày tỏ lo ngại bởi những quy định… lạ lùng mà nếu tuân thủ họ sẽ phải gia tăng chi phí, lâm vào thế bí vì nếu không tuân thủ thì vi phạm pháp luật, còn nếu tuân thủ thì quá… phi lý.

Nào là siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ. Nào là siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày.

Lại còn cả những quy định siêu thị tiêu chuẩn phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đ?n d??i 10.000 mến dưới 10.000 m2; phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại...

Cùng với các báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục vào cuộc phản biện.

Trao đổi với chúng tôi khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói quy định thời gian mở cửa siêu thị như dự thảo là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN, đi ngược chiều với thông lệ quốc tế. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần hoặc không nên can thiệp.

“Không rõ dựa vào căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả ngày trong năm?” - VCCI băn khoăn.

Không băn khoăn như VCCI, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nói thẳng về dự thảo nghị định này: “Đây là tư duy trở lại thời bao cấp, tước quyền của DN. Bởi chúng ta đang tuân thủ nguyên tắc hiến định rằng: Người dân, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm cơ mà”.

Trong cuộc trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Phú còn gợi đến cả những câu chuyện về kinh doanh gas, xuất khẩu gạo… mà Bộ Công Thương đã làm khó DN và khẳng định rằng: “Quy định này chắc chắn sẽ gây khó khăn rất lớn cho các DN nhỏ Việt Nam. Tình trạng này không khác gì những quy định về kinh doanh gas, xuất khẩu gạo… trước đây. Nó sẽ tạo ra thế độc quyền cho các ông lớn. Mà khi các DN nhỏ bán lẻ chết hết thì ngoài việc các ông lớn độc quyền, các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc càng dễ thâu tóm và chi phối thị trường”.

Trước những ý kiến của chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, DN và người dân, ông Nguyễn Văn Hội, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, cho biết: Bộ sẽ tiếp thu… để hoàn thiện dự thảo nghị định.

Nhưng một điều bất ngờ hơn là đến cuối tháng 6-2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết định “dừng xây dựng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối”.

Khi biết tin này, ông Vũ Vinh Phú cười: “Phải thế chứ!”

Ông ĐẬU ANH TUẤNTrưởng ban Pháp chế VCCI:

Ghi dấu ấn đậm nét trong phản biện về các điều kiện kinh doanh

Góp sức phản biện, cải cách chính sách ảnh 2
Ông ĐẬU ANH TUẤNTrưởng ban Pháp chế VCCI

Trong các chương trình vận động, thúc đẩy cắt giảm các ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của VCCI thời gian qua có sự đồng hành rất quan trọng của báo chí, đặc biệt là báo Pháp Luật TP.HCM.

Đây là tờ báo tiên phong phản ánh đậm nét thực trạng phiền hà, khó khăn của DN và người dân về ĐKKD. Chính điều này cũng là thông tin và động lực quan trọng để Chính phủ có những hành động cải cách ĐKKD mạnh mẽ như thời gian qua.

Chúng tôi đánh giá cao báo ở sự chuyên sâu khi chuyển tải những vấn đề sâu về pháp luật. Không chỉ đăng kịp thời, đăng đậm nét mà còn nhìn nhận chính xác và đúng trọng tâm, bản chất của vấn đề pháp luật. Các bình luận, phân tích cũng chú trọng hơn về khía cạnh pháp lý (như sự chồng chéo, không nhất quán của quy định, nguyên tắc pháp quyền…).

Chính vì vậy, với cơ quan bộ, ngành, các cơ quan lập pháp, những người hành nghề pháp luật thì những bài báo như của Pháp Luật TP.HCM về những vấn đề cuộc sống có thể chuyển thành ngôn ngữ chính sách, văn bản pháp luật dễ dàng hơn nhiều. Đây có thể xem là thế mạnh truyền thống của báo Pháp Luật TP.HCM.

Nước mắm hết khổ vì iốt

Góp sức phản biện, cải cách chính sách ảnh 3
Bà NGUYỄN THỊ TỊNH, Giám đốc DNTN Nước mắm Thanh Quốc

Những thông tin khó khăn của doanh nghiệp (DN) thời gian qua đã được hiệp hội và báo chí (trong đó có Pháp Luật TP.HCM) phản ánh đến các cơ quan quản lý, lãnh đạo Chính phủ. Cụ thể như quy định về việc kiểm tra các DN thực phẩm có sử dụng muối iốt từng gây khó khăn cho các DN sản xuất nước mắm truyền thống.

Sau khi có ý kiến của Thủ tướng (tháng 10-2017), Bộ Y tế đã ban hành công văn nêu rõ chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối iốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối iốt. Đây là tín hiệu mừng dành cho các DN vì thời gian qua cộng đồng DN bức xúc việc kiểm tra các DN thực phẩm có sử dụng muối iốt sẽ gây khó khăn cho DN.

Lý do là một số sản phẩm thực phẩm như nước mắm truyền thống nếu có thêm iốt trong thành phần sẽ gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxy hóa… và đặc biệt, sản phẩm không đảm bảo được chất lượng như công bố của nhà chế biến hoặc theo tiêu chuẩn thành phẩm. Quan trọng hơn, trong nhiều trường hợp DN làm theo đơn hàng xuất khẩu, không thể tùy tiện bỏ thêm chất gì cũng được. Hơn nữa, iốt rất dễ bay hơi khi qua chế biến nhiệt nên dù sử dụng muối có bổ sung iốt cũng không có tác dụng.

Việc điều chỉnh chính sách kịp thời không chỉ giúp DN ổn định sản xuất, giữ thị trường mà còn giúp cả ngành nước mắm truyền thống - đặc sản Việt Nam mấy trăm năm không bị ảnh hưởng.

Bà NGUYỄN THỊ TỊNH, 
Giám đốc DNTN Nước mắm Thanh Quốc

Doanh nghiệp được tự xuất khẩu hạt gạo mình làm ra

Góp sức phản biện, cải cách chính sách ảnh 4
Ông PHẠM MINH THIỆN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May

Cuối tháng 8-2018, Bộ Công Thương ban hành Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010. Điều này đã “cởi trói” cho nhiều DN xuất khẩu gạo gặp vướng mắc, khó khăn trong suốt một thời gian dài.

DN cám ơn báo chí đã kịp thời phản ánh những khó khăn của chúng tôi khi những điều kiện về kho chứa, nhà máy gây ra sự quá sức, lãng phí đầu tư dù DN sản xuất ra được những hạt gạo chất lượng, nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Nhờ phản ánh đó mà Bộ Công Thương đã tiếp nhận, thay đổi chính sách, bỏ các quy định điều kiện xuất khẩu gạo không hợp lý. Từ đây DN có thể tự mình xuất khẩu gạo không phải nhờ ủy thác DN khác.

Tháng 10 tới đây, khi Nghị định 107/2018 có hiệu lực, điều này sẽ tạo cơ hội cho công ty mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu theo sự nới rộng của những điều kiện để xuất khẩu gạo hữu cơ. Để đón đầu nghị định này, công ty sẽ tới Mỹ tìm hiểu thị trường, đối tác và tiến tới xuất khẩu vào quốc gia này.

Ông PHẠM MINH THIỆN,
 Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May

Bộ lắng nghe, người mua nhà được  lợi

Góp sức phản biện, cải cách chính sách ảnh 5
Ông NGUYỄN DUY MINH, Tổng Giám đốc L&L Group

ộ Tài chính bỏ đánh thuế tài sản căn hộ chung cư, đất ở, đất xây chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng có thể nói là tin vui cho chính người dân và chính DN ngành bất động sản. Vì nếu đánh thuế tài sản đối với căn hộ chung cư, đất và nhà ở sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. Thuế tài sản sẽ khiến chi phí giá thành sản phẩm bất động sản tăng lên vì phải cộng thêm khoản thuế này, cuối cùng người mua sẽ chịu thiệt. Điều đó sẽ làm cho DN gặp khó về tính toán giá bán sản phẩm để làm sao có giá cạnh tranh.

DN vui mừng vì ý kiến của cộng đồng DN qua sự đồng hành của các cơ quan báo chí đã được bộ, ngành lắng nghe mà có sự điều chỉnh chính sách phù hợp. Việc bỏ đánh loại thuế này giúp thị trường bất động sản ổn định thời gian qua.

Ông NGUYỄN DUY MINH, Tổng Giám đốc L&L Group

QUANG HUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm