Sau cuộc họp về liên kết vùng trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh trong giai đoạn chưa kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19. Đến nay, một số địa phương đã đóng góp ý kiến với TP.HCM trước khi tổ chức thực hiện.
Phương án cho các hoạt động liên tỉnh
Trong dự thảo cần lấy ý kiến của Sở GTVT các tỉnh lân cận, TP.HCM đã đưa ra nhiều quy định về các hoạt động vận tải hàng hóa, đưa đón công nhân, chuyên gia và việc người dân đến TP.HCM để khám chữa bệnh.
Cụ thể, các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR). Nếu xe có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM thì không được dừng, đỗ trong suốt quá trình lưu thông quá cảnh, trừ trường hợp bất khả kháng như bị hư hỏng, sự cố về sức khỏe của tài xế.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện tại một trục đường chính ở TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG
Hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại. Công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế. Đồng thời họ phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
Xe vận chuyển đưa đón công nhân phải là ô tô khách từ 10 chỗ trở lên thuộc sở hữu của đơn vị, hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tổ chức vận chuyển.
Các doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối. Sau đó, các đơn vị trên đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT để phối hợp với Sở GTVT tỉnh, TP liên quan để cấp giấy nhận diện (có mã QR).
Đối với chiều ngược lại, Sở GTVT tỉnh cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe của các đơn vị đưa đón công nhân, chuyên gia từ TP.HCM đến làm việc tại các tỉnh, sau khi thống nhất phương án với Sở GTVT TP.HCM.
Trường hợp người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực. Ngoài ra, họ còn phải có giấy chuyển viện của bệnh viện tỉnh đến bệnh viện tại TP.HCM, hoặc giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP.HCM. Họ còn phải có giấy xác nhận của cấp phường (xã) cho phép đến TP.HCM với đầy đủ thông tin cá nhân, người điều khiển và phương tiện di chuyển.
Nhiều góp ý cụ thể
Ngày 28-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết hiện nay tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Theo đó, người dân tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ đi lại bình thường trong phạm vi nội tỉnh nhưng chưa thể đi liên tỉnh.
Chẳng hạn, TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 thì xe chở chuyên gia, công nhân vẫn đi lại bình thường, song người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine cũng chưa thể vào TP.HCM được. Theo đó, cần kiến nghị cho phép xe hai bánh đủ điều kiện được đi vào TP.HCM hoặc tiếp tục đợi các tỉnh lân cận TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15.
Ông Tuấn cho biết gần đây có hàng trăm người không có việc làm ở Long An đã đi xe máy về quê ở các tỉnh miền Tây nhưng không được chấp nhận. Vì thế, tỉnh đã vận động người dân ở lại và sắp xếp việc làm cho họ bởi Long An đang dần mở cửa, cần lao động trở lại làm việc, tránh tình trạng người dân về quê gặp khó khi quay trở lại làm việc.
Ông Tuấn nói: “Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM và các tỉnh giáp ranh cần có những giải pháp mở để ưu tiên cho doanh nghiệp lưu thông qua các chốt giáp ranh. Mục đích là để các doanh nghiệp triển khai ngay các phương án sản xuất, hoàn thành mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ”.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết đơn vị cũng đã họp và đưa ra nhiều góp ý cho dự thảo về đi lại, vận tải hàng hóa của TP.HCM đưa ra.
Đối với hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đề nghị điều chỉnh về điều kiện di chuyển. Thứ nhất là họ phải tiêm đủ hai mũi vaccine, mũi cuối đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm di chuyển, có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng.
Thứ hai, người đã mắc và khỏi bệnh COVID-19 có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá sáu tháng tính đến thời điểm di chuyển. Thứ ba, người có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trong vòng 72 giờ từ khi nhận kết quả.
Ngoài ra cần điều chỉnh đối với chiều đi từ các tỉnh đến TP.HCM, Sở GTVT các tỉnh sẽ cấp giấy vận chuyển cho xe đưa đón công nhân, chuyên gia thay vì cấp mã QR. Lý do là hiện nay phần mềm cấp mã QR tự động của Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai chỉ cấp cho xe tải, không cấp cho xe khách.
Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị đối với người dân từ các tỉnh đến TP.HCM cần bổ sung nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia học tập tại các trường trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, cơ quan này đề nghị bỏ mục “xác nhận của chính quyền địa phương...”.
Góp ý về tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch Đối với các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, Sở GTVT tỉnh Long An đề nghị TP.HCM xem xét, gộp tiêu chí số 1 và số 2 trong việc vận chuyển hàng hóa thành một. Bởi cả hai tiêu chí trên đều nói về người điều khiển phương tiện và phục vụ đã tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm. Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị bỏ tiêu chí số 8 về việc có phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động vận tải hành khách. Song song đó, Sở GTVT TP.HCM cần nêu rõ thêm trường hợp không đạt một trong các tiêu chí an toàn phòng chống dịch thì có được hoạt động hay không. Kiểm soát tại các chốt, trạm kiểm soát cửa ngõ Theo dự thảo tổ chức giao thông của Sở GTVT TP.HCM, phương tiện vận tải hàng hóa sẽ kiểm soát thông qua giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) thông qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID). Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa không có giấy nhận diện phương tiện hoặc có giấy nhận diện phương tiện nhưng đã hết hiệu lực phải thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng chức năng kiểm soát dịch. Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia sẽ kiểm soát thông qua giấy nhận diện (có mã QR) do Sở GTVT cấp có thời gian, lộ trình vận chuyển kèm theo danh sách tài xế, nhân viên phục vụ trên xe và mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID). |