Sáng 5-8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tại đây, lãnh đạo ba địa phương đã thống nhất 5 nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Thứ nhất, các địa phương thống nhất cần lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án và có một kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ.
Qua đó, các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đáp ứng tiến độ mà Quốc hội đã thông qua.
Thứ hai, lãnh đạo ba tỉnh thành thống nhất đây là dự án quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả Vùng Thủ đô. Vì vậy, mỗi địa phương cần quán triệt tinh thần và nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngoài kế hoạch phối hợp chung, từng địa phương cần có kế hoạch riêng phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ban Chỉ đạo chung cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Thứ ba, bên cạnh một số nội dung hướng dẫn đang được Bộ KH&ĐT xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án GPMB.
Trong đó đặc biệt lưu tâm phương án xử lý, di dời các nghĩa trang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, các khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng… Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; đảm bảo tránh những khiếu kiện phức tạp có thể xảy ra.
Cả ba tỉnh ấn đinh mục tiêu hoàn thành công tác GPMB trước ngày 31-12-2023, để có thể khởi công dự án vào tháng 6-2024.
Thứ tư, đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, có thể chưa được pháp luật quy định.
Vì vậy, ba tỉnh thành thống nhất đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch, thực hiện kiểm toán dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình. UBND TP Hà Nội là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất cụ thể với Kiểm toán Nhà nước nội dung này.
Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, đề nghị 3 tỉnh, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ. Hà Nội sẽ là đầu mối tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Quốc hội thông qua về chủ trương bằng một nghị quyết riêng, ngày 16-6. Theo đó, tuyến vành đai này dài 112,8km với tổng mức đầu tư sơ bộ 85.813 tỷ đồng. Tiến độ triển khai gồm: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở 3 địa phương; 3 dự án xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương; và 1 dự án xây dựng hệ thống đường cao tốc. Trong đó, dự án xây dựng hệ thống đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, còn 6 dự án kia theo hình thức đầu tư công.