UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về danh mục nhà đất là trụ sở của một số cơ quan, nhà máy, xí nghiệp tại 12 quận nội thành phải di dời do không phù hợp quy hoạch (theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công).
Nội dung này sẽ được xem xét, quyết định thông qua tại kỳ họp thứ 7 của HĐND TP Hà Nội, dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 8-7 tới đây.
Nhà máy bia Hà Nội (Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội) và Nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm trong diện di dời. Ảnh: PHI HÙNG |
Di dời 10 cơ quan, nhà máy
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề xuất di dời 10 trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nằm trên địa bàn sáu quận nội thành. Các trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp này đa phần nằm ở các lô đất vàng, có vị trí đắc địa, với tổng diện tích hơn 315.000 m2. Nếu được HĐND TP Hà Nội thông qua, trong vòng năn năm tới, các đơn vị này sẽ phải tiến hành di dời. Quỹ đất sau di dời sẽ được bố trí làm đất hỗn hợp, nhà ở, đường sá, cây xanh, trường học và không gian công cộng.
Trong đó, tại quận Hoàn Kiếm sẽ di dời ba cơ sở gồm Công ty In báo Nhân Dân Hà Nội; trụ sở báo Lao Động; Công ty TNHH 1TV In báo Hà Nội Mới. Tại quận Ba Đình sẽ di dời Nhà máy bia Hà Nội (Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội). Tại quận Thanh Xuân di dời hai cơ sở gồm Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam.
Ngoài ra, tại quận Long Biên cũng sẽ di dời hai cơ sở gồm Nhà máy xe lửa Gia Lâm và Tổng kho xăng dầu Đức Giang. Tại quận Đống Đa di dời trụ sở Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp và cuối cùng là quận Bắc Từ Liêm di dời Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.
“Đất vàng” sau di dời làm gì?
Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, diện tích đất trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trên sau khi di dời, sắp xếp sẽ được sử dụng để làm đất hỗn hợp phục vụ phát triển đô thị, xây dựng nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, bãi đỗ xe, trồng cây xanh.
Nếu được HĐND TP Hà Nội thông qua, trong vòng năm năm tới, các đơn vị này sẽ phải tiến hành di dời.
Cụ thể, theo Quy hoạch phân khu H1-2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 3-2021 thì 52.230 m2 đất của Nhà máy bia Hà Nội (tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Ba Đình) được bố trí làm đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở và bãi đỗ xe.
Còn 64.000 m2 đất của Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (235 Nguyễn Trãi) được bố trí thành khu công cộng của TP và khu vực, đất hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh (theo Quy hoạch phân phu H2-3 được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 12-2015).
Đặc biệt, 159.351 m2 của Tổng kho xăng dầu Đức Giang (26 phố Đức Giang) được bố trí làm đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch (theo Quy hoạch phân khu N10 được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 11-2014). Còn 30.000 m2 là trụ sở Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam sẽ được bố trí làm đất cơ quan, viện nghiên cứu (theo Quy hoạch phân khu GS được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 8-2015).
Các khu đất còn lại được bố trí làm đất hỗn hợp, đất công cộng, trụ sở cơ quan, cây xanh, trường học, đường sá•
TP Hà Nội đã có phương án xử lý với 653 cơ sở
Theo báo cáo của đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của TP Hà Nội, nhiều năm qua UBND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất 43.791.407 m2, diện tích nhà 9.919.172 m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của TP.
Qua sắp xếp, TP đã có phương án xử lý với 653 cơ sở, với 5.821.542 m2 đất và 359.503 m2 nhà. Trong đó, riêng giai đoạn từ năm 2017 đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý đối với 427 cơ sở nhà đất.