Hà Nội: Nông dân cần thuê đất thời gian dài hơn, nhiều hơn để sản xuất

(PLO)- Nhiều nông dân đã kiến nghị tới lãnh đạo TP Hà Nội được thuê đất 5% với thời gian dài hơn để yên tâm sản xuất với quy mô lớn…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 27-9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Nông dân Thủ đô năm 2022.

Hội được tổ chức tới 424 điểm cầu tại các huyện, thị xã và 406 xã với sự tham dự của đại diện các cấp Hội Nông dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại và hội viên nông dân của 18 huyện, thị xã và 406 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.

Nhiều kiến nghị về chính sách đất đai

Toàn cảnh điểm cầu Thành uỷ Hà Nội tại hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Nông dân Thủ đô năm 2022

Toàn cảnh điểm cầu Thành uỷ Hà Nội tại hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Nông dân Thủ đô năm 2022

Mở đầu hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định lãnh đạo TP mong muốn được nghe ý kiến tham vấn, cũng như những vấn đề bà con nông dân Hà Nội quan tâm đề xuất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ đó thúc đẩy chính sách tam nông, phát triển nông nghiệp của TP…

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến của bà con nông dân về các vấn đề như đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đầu ra cho sản phẩm, vốn vay ưu đãi… đặc biệt là cơ chế, chính sách về đất đai để người dân yên tâm sản xuất lâu dài với quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) cho biết nhiều năm nay các hộ chăn nuôi đều mong muốn được mở rộng cơ sở chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng gặp khó khăn về đất. Phần lớn các hộ chăn nuôi đang tiếp cận quỹ đất công ích 5% của địa phương chỉ có thời hạn thuê 5 năm, vì vậy khó yên tâm để đầu tư lâu dài với quy mô lớn.

“Tôi kiến nghị TP nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù của Thủ đô, tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn, hoặc sử dụng đất đai đã được phê duyệt cho thuê dài hạn hơn” - ông Thanh kiến nghị.

Ông Nguyễn Xuân Huy, nông dân xã Hòa Bình (huyện Thường Tín)
Ông Nguyễn Xuân Huy, nông dân xã Hòa Bình (huyện Thường Tín)

Cũng liên quan đến chính sách đất đai cho sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Huy, nông dân xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) dẫn chứng thực tế lâu nay ở địa phương là nhiều ô thửa đất sản xuất manh mún, hiệu quả thấp. Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều hộ dân bỏ đất hoang đi làm công việc khác vì cấy lúa không hiệu quả, thậm chí còn lỗ do giống, thuốc trừ sâu, phân bón… cao.

Theo đó, ông Huy kiến nghị TP, địa phương cũng như cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách tháo gỡ hoặc là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để tập hợp được diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân (chuyển nhượng, cho thuê hoặc góp vốn bằng đất…) đảm bảo cho người đầu tư yên tâm khi thực hiện dự án.

Không có chính sách vượt trội sẽ khó đột phá

Tham gia đối thoại với bà con nông dân, Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường cho biết, đất công ích 5% hình thành do các địa phương trích lại 5% tổng diện tích đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích.

Trong thời gian chưa sử dụng công ích thì UBND cấp xã được tổ chức đấu giá cho thuê 5 năm với mục đích nông nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng để trồng cây, nuôi trồng thủy sản. Với đề nghị của bà con được kéo dài thời hạn sau 5 năm, thực tế theo quy định của Luật thì chưa cho phép.

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường

Còn Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, TP sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến, tham vấn của bà con nông dân để hoàn thiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt, UBND

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu và cảm ơn các ý kiến, kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm của bà con nông dân cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của TP.

Ông khẳng định giai đoạn hiện nay, TP sẽ tiếp tục triển khai định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” đó là "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04 của Thành uỷ Hà Nội là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng thời kêu gọi bà con nông dân, doanh nghiệp và các cấp ngành của TP cùng đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu này.

Theo đó, Bí thư Hà Nội đề nghị Hội Nông dân TP Hà Nội chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025” để trình UBND TP xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và thành phố trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt cho phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn...

Bí thư Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan liên quan của TP ghi nhận, tiếp thu, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của bà con nông dân đã nêu tại Hội nghị. Trên cơ sở này các cấp, ngành của TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

“Không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, chúng ta phải xác định mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món”, gắn với vùng sản xuất và có định hướng cụ thể từ thành phố xuống cơ sở”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm