Hà Nội sẽ khuyến khích tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trực tuyến

(PLO)- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết tới đây TP sẽ khuyến khích tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức trực tuyến để tăng tính công khai, minh bạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 6-7, nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội đã đề cập đến tình trạng chậm trễ trong đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn TP Hà Nội mới thực hiện đấu giá đất được 33 dự án với diện tích 5,87 ha, với tổng số tiền trúng đấu giá là 1.955,95 tỉ đồng, thu về 3.106 tỉ (đạt khoảng 25% chỉ tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất).

Theo các ĐB, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính, các quy định mới của pháp luật liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất và có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm 2022.

Bên cạnh đó, các địa phương còn e ngại trong việc xác định giá sàn để đấu giá đất theo ủy quyền của UBND TP cho các quận huyện đối với dự án giá trị đấu giá dưới 30 tỉ đồng. Việc uỷ quyền này nhằm đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất (giúp bỏ bớt khâu thuê tư vấn để xác định giá khởi điểm, do nhiều đơn vị tư vấn e ngại thực hiện - PV), tuy nhiên nhiều quận huyện vẫn chưa mạnh dạn thực hiện.

Giải trình về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, có nhiều khó khăn khách quan, chủ quan khiến kết quả đấu giá đất còn chậm.

Theo ông Đông, đầu tiên là do dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hết quý I, sang đầu quý II-2022. Thứ hai, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng.

"Có đại biểu nêu tại sao tại các huyện xa trung tâm kết quả đạt tốt hơn, nguyên nhân là do tại khu vực đó giá sàn thấp, chỉ tiêu TP giao không nhiều nên tỷ lệ cao" - ông Đông nêu.

Ông Đông cho hay, trong thời gian tới, các đơn vị có mức giá sàn cao hơn cũng phải đẩy mạnh quy trình đấu giá đất, nhất là 87 ha đất sạch đã đủ các điều kiện cần thiết. Khi đấu giá xong 87 ha này, chắc chắn tỷ lệ về số lượng, nguồn thu cho ngân sách sẽ tăng lên, hoàn thành chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm.

Về ý kiến đại biểu bày tỏ sự e ngại liên quan đến việc TP ủy quyền cho các quận, huyện xác định mức giá sàn đấu giá đất, ông Đông cho rằng không nên e ngại, bởi việc này mang lại hiệu quả tốt, thực hiện việc phân cấp, thực hiện nhanh hơn, đỡ phải thuê tư vấn, các địa phương chủ động hơn trong công việc.

"Cái chính là quản lý chặt chẽ việc tổ chức đấu thầu, đấu giá. Quản lý chặt từ việc bán hồ sơ phải công khai, không hạn chế. Thứ nữa là quy trình tổ chức đấu giá phải chặt chẽ, đúng quy trình thủ tục, đúng số lượng người tham gia đấu giá. Càng nhiều người tham gia càng tốt, không hạn chế số lượng thì chắc chắn giá trúng là giá quyết định của thị trường" - ông Đông nói.

Theo ông Đông, không nên e ngại việc xác định giá sàn, bởi giá sàn không quyết định được mức giá trúng. Thời gian tới, TP sẽ quản lý chặt việc đấu giá, tiến tới khuyến khích tổ chức đấu giá trực tuyến để tăng tính công khai, minh bạch.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy