Sáng nay 12-7, HĐND tỉnh Hải Dương khai mạc kỳ họp giữa năm, trong đó sẽ xem xét quyết định quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước đang bám sát quy hoạch quốc gia để xây dựng quy hoạch tổng thể cho địa phương mình, tờ trình của UBND Hải Dương đưa ra một số mục tiêu tổng quát, như đến năm 2030, phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Xa hơn, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng. Là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Hải Dương phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Thành Chung |
Để được như vậy, Hải Dương xác định từ nay đến 2030, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân/người đạt khoảng 180 triệu đồng (giá hiện hành); tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582.000 tỷ đồng
Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 2,55 triệu người. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp. 100% dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. 100% chất thải rắn thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến. 100% nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường. Phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 55%, hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Trục phát triển và 4 vùng liên huyện
Dự thảo quy hoạch xác định 4 trục phát triển không gian gồm Bắc - Nam; Đông - Tây trung tâm tỉnh; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông. Cùng với đó là bốn vùng liên huyện với ưu tiên khác nhau về phát triển.
Cụ thể, vùng trung tâm (vùng 1) gồm toàn bộ không gian phát triển của thành phố Hải Dương và các huyện Nam Sách, Gia Lộc. Đây là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm với thành phố Hải Dương là đô thị tổng hợp đa ngành, trung tâm chính trị hành chính của tỉnh, trung tâm kinh tế đa ngành.
Vùng phía Tây (vùng 2) gồm toàn bộ không gian phát triển của các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, là phân vùng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn của tỉnh Hải Dương.
Vùng phía Đông Nam (vùng 3) gồm toàn bộ các huyện Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ, là vùng phát triển nông nghiệp đặc sản gắn với sản xuất hàng hoá, phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ theo hướng tiên tiến.
Vùng phía Bắc (vùng 4) gồm toàn bộ thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc của tỉnh, trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, xây dựng đô thị theo theo đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, đáng sống.
Tại vùng này, phát triển công nghiệp - xây dựng là mũi nhọn; thương mại, dịch vụ, du lịch là quan trọng; nông, lâm, thủy sản là nền tảng, hỗ trợ phát triển bền vững. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh, liên kết du lịch gắn với hành lang du lịch Nội Bài - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh.