Sinh ra và lớn lên ở biển, điều dễ dàng nhận thấy ở ông Lê Hữu Tây, thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An (Thừa Thiên-Huế), là làn da đen sạm vì nắng gió, giọng nói lớn, vang dội trong lòng ngực như nạt nộ người khác. Gương mặt trầm tư, ông hướng mắt nhìn về phía biển xa xăm, cố nhớ lại lần đầu tiên trong đời ông tự tay nhặt xác người chết bị trôi dạt.
“Ông Tây nhặt xác chết”
Đó là một đêm khuya giữa tháng 7 cách đây hơn 25 năm. Biển bắt đầu nổi giông bão, ông Tây và người làng khác chạy ra “vần” những chiếc ghe thuyền lên bờ trú bão. Đêm đen nhìn không rõ mặt người, bỗng một tiếng hét vang lên. Mọi người bỏ chạy tán loạn, trong phút chốc trên bãi biển chỉ còn lại ông Tây. “Tôi đi dọc bờ biển thì phát hiện một xác người nằm trên cát. Đi thêm chừng dăm mươi bước chân nữa thì có thêm hai xác người. Tất cả đều trương phình, bốc mùi hôi thối” - ông Tây kể lại.
Ông Tây liền chạy xồng xộc về nhà, đưa tiền cho con trai đi mua chiếu, nhang đèn và hoa quả. Vợ nắm tay lại hỏi chuyện gì, ông cũng không chịu nói, phóng thẳng một mạch ra phía biển, quyết định chôn cất ba tử thi ngay trong đêm. Một mình ông làm mà không cần ai trợ giúp.
“Hai năm sau, một người đàn ông nói giọng Hải Phòng vào hỏi đường đến nhà ông Tây. Họ chính là thân nhân của ba nạn nhân xấu số kia, đến xin phép gia đình được mang hài cốt về quê hương chôn cất” - ông Trần Phương, một người hàng xóm, góp chuyện. Đó là chuyến đi định mệnh của con tàu viễn dương hành trình sang Macao, bị chìm cách biển Thuận An 19 hải lý.
Ông Tây thắp nén nhang lên ngôi mộ của người xấu số do ông vớt dưới biển lên. Ảnh: THANH TUẤN
Một lần khác, khi ông Tây đang băm chuối cho đàn dê thì nghe tiếng người lao xao ngoài bờ biển. Linh tính có chuyện chẳng hay, ông Tây lấy xe đạp chạy ra xem. “Lại là một xác chết bị trôi dạt trong tình trạng đang phân hủy. Mọi người đều dùng tay che miệng, bịt kín mũi vì mùi hôi. Phần vì sợ người chết đã từng mắc bệnh phong có nguy cơ lây lan” - vợ ông, bà Nguyễn Thị Lái, nhớ lại. Lúc đó ông Tây rẽ đám đông, tới gần, mang xác người chết đem đi chôn cất trên con đê đầu làng.
Theo ông Tây, cửa biển Thuận An nơi có luồng nước xoáy nên hằng năm đều có xác người gặp nạn trôi dạt từ ngoài vào. Hỏi ông có sợ không khi đụng chạm vào thi thể của người đã chết, ông Tây khẳng khái nói: “Mình thấy mà không làm thì về nhà lương tâm cắn rứt vô cùng. Đều là con người bằng xương bằng thịt với nhau cả thôi, có chi mà sợ. Mình sợ thì ai đứng ra để làm thay cho mình”.
Ngay chính ông Tây cũng không nhớ rõ đã bao nhiêu lần mình nhặt thi thể người chết trôi nổi trên biển đưa đi chôn cất, an táng. Năm nay đã bước vào tuổi 50, ông Tây vẫn nhớ như in ngày tháng năm mất của những người đã khuất để làm lễ giỗ và thắp nhang cúng bái. “Nhà mình nghèo nên cũng không có mâm cao cỗ đầy sang trọng trong ngày của họ. Đơn giản chỉ là mâm cơm đạm bạc như bữa cơm gia đình, miễn sao người đã khuất thấy được tấm lòng của người dương thế” - ông Tây ngậm ngùi nói.
Trời nhá nhem tối, ông Tây dẫn chúng tôi ra phía ven biển, nơi bao nhiêu năm qua ông đã bỏ công chôn cất những thi thể xấu số bị trôi dạt. Những nấm mồ vô danh, không năm sinh, tên tuổi, chỉ ghi tên của người phụng lập xếp hàng dài như một nghĩa trang nhỏ - nghĩa trang của ông Tây lập ra. Thắp nén nhang, miệng khấn vái lầm rầm, ông Tây nghẹn giọng: “Mùa bão lũ năm nào tôi cũng ăn ngủ không yên vì lo sóng đánh vào bờ gây sạt lở, cuốn trôi mộ của người quá cố. Năm ngoái có hai ngôi mộ nằm trên đất sạt lở, sóng cuốn trôi, tìm mãi vẫn chưa thấy”. Nhiều đêm mưa gió, ông Tây chạy ra biển hì hục đào bới mộ đưa hài cốt vào cất giữ trong nhà mình.
Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Tây là đúc gạc xi măng, gánh cát thuê để mưu sinh và nuôi ba đứa con ăn học. Hơn 30 năm lênh đênh làm đời ngư phủ khiến sức khỏe ông Tây suy giảm đi nhiều. Thỉnh thoảng ông mới chèo chiếc ghe nhỏ đi đánh cá, kiếm 20.000-30.000 đồng. Vậy mà mỗi lần đụng phải xác người chết, ông Tây lại bỏ tiền túi ra để mua áo quan, nhang khói. “Nhiều khi ngửa tay xin vợ không được đồng nào, tôi phải đi mượn hoặc chạy từ đầu làng đến cuối xóm nhờ lòng hảo tâm của mọi người. Người miền biển vốn hào phóng, rộng rãi nên chả mấy chốc tiền đầy bâu (túi) để lo chuyện hậu sự cho người xấu số” - ông Tây cười sảng khoái.
Để xác trên thuyền
Căn nhà nhỏ của ngư dân Trần Doanh (57 tuổi), thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, nằm thoi loi ở cuối con đê vươn ra biển. Chúng tôi tìm đến nhà khi ông và những bạn thuyền đang gò lưng dưới khoang thuyền vận chuyển cá bán cho thương lái sau chuyến đi biển dài ngày. Ông Doanh hiện là người lớn tuổi nhất vẫn còn bám biển mưu sinh ở cái làng này. Ông Doanh nói: “Ai đã từng đi biển, sống chết với biển mới thấy việc cứu vớt người ta không đến nỗi đáng sợ như mọi người vẫn thường nghĩ”.
Lão ngư Trần Doanh thắp nhang ở am thờ vong linh người chết trên biển trước mỗi chuyến ra khơi. Ảnh: THANH TUẤN
Trước mỗi chuyến ra khơi, vị thuyền trưởng dạn dày sóng gió này không quên thắp nén nhang lên hai am thờ vong hồn của ba người mà mình đã từng vớt dưới biển lên cách đây 20 năm. Trong tâm trí, ông coi họ như người thân của gia đình, đều đặn chăm lo nhang khói, mong mỏi phù hộ những chuyến đi biển đầy ắp cá và may mắn trước cơn sóng đại dương.
Ông Doanh tâm sự: “Biển cả đầy bất trắc, mình đi biển lúc nào cũng mong có ai đó nghĩa hiệp sẵn sàng cứu mình khi gặp hoạn nạn. Mình thấy người ta phơi thân giữa biển, không vớt lên thì tội lắm. Mình làm cho lương tâm thanh thản đó mà”.
Hôm đó, trời yên biển đẹp, chiếc tàu cá TTH-1457 vượt sóng ra khơi. “Đi cách cửa biển Thuận An chừng 30 hải lý, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy một vật thể lạ đang tiến lại gần tàu của mình. Tôi và ba bạn thuyền hốt hoảng khi biết đó là thi thể người chết bị trôi dạt.” - ông Doanh nhớ lại.
Dong tàu tiếp tục ra khơi thì không đành tâm, vớt xác người lên thì sợ điềm chẳng lành, bạn thuyền sẽ phản đối. Hai luồng suy nghĩ trái chiều cuồn cuộn lên như từng ngọn sóng đang cưỡi lên nhau trong con người vị thuyền trưởng cương quyết. Cuối cùng, ông ra lệnh cho bạn thuyền dừng lại, lấy dây thừng vớt xác người chết lên bỏ trước khoang. Chiếc tàu đánh cá của ngư dân hướng thẳng đất liền quay về khi trời bắt đầu tối dần.
Sáng hôm sau, người làng Thuận An ngỡ ngàng khi thấy con tàu của ông Doanh mới ra khơi đã vội vã quay về, trên tàu còn để cả xác người chết. Ông Trần Xô, bạn thuyền của ông Doanh, kể: “Với người miền biển, tàu đánh cá tự nhiên quay về liền là dấu hiệu không may mắn. Chưa kể tốn kém chi phí xăng dầu”.
Tàu cập bến, ông Doanh bảo vợ ra chợ mua hoa quả, nhang đèn và thuê thợ đóng cỗ quan tài để khâm liệm đàng hoàng. Ngay tối hôm đó, người làng cứ đứng trân trân nhìn ông và ba bạn thuyền đưa xác người chết lên bờ trình báo với cơ quan chức năng. Về nhà ông Doanh lập bàn thờ trước ngôi nhà của mình để tiện lo nhang khói.
Bao năm nay cứ mỗi lần tàu cá ông Doanh trở về sớm, người làng liền nhận ra ngay trên tàu ông đang chở xác người chết chờ được an táng.
Chúng tôi cùng ông Doanh đi bộ hơn 3 km đường cát để tới khu mộ chôn cất những người do ngư dân đi biển vớt lên và đem chôn cất. Từng nấm mộ xây bé nhỏ, nằm khiêm tốn bên hàng phi lao chắn sóng, tất cả đều không ghi rõ ngày sinh, tháng mất, quê quán, tên tuổi. “Ở đây họ không lạnh lẽo dù chưa được thân nhân tìm đến nhận. Bởi các ngư dân thường xuyên nhang khói trước mỗi chuyến ra khơi hay vào dịp lễ, tết. Ngày giỗ của họ là ngày mà ngư dân vớt thi thể từ dưới biển lên” - ông kể.
THANH TUẤN