Chiều 28-11, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với số lượng tài sản lớn.
Theo cơ quan công an, hầu hết các vụ việc đều xuất phát từ việc chơi hụi, họ, huy động vốn và cho vay lãi suất cao hoặc liên quan đến hoạt động góp vốn kinh doanh mua bán bất động sản.
| ||
|
Đáng chú ý là vụ việc vỡ nợ xảy ra trên địa bàn xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).
Cụ thể từ đầu năm 2022 đến khoảng giữa tháng 10-2022, 17 hộ dân trên địa bàn xã Hà Long (Hà Trung) và thị xã Bỉm Sơn đã cho bà Bùi Thị Độ (63 tuổi), ngụ ở xã Hà Long vay nhiều lần với tổng số tiền khoảng 14,6 tỷ đồng để lấy lãi suất 2000đ/triệu/ngày.
Tuy nhiên, sau khi vay được tiền của các hộ dân thì bà Độ đã cho Nguyễn Thị Lý (34 tuổi), ngụ ở cùng thôn vay lại để đáo hạn ngân hàng với lãi suất 3.000đ/triệu/ngày.
Cũng theo cơ quan công an, không chỉ vay số tiền lớn của bà Độ, Nguyễn Thị Lý còn vay của hai người dân khác ở thị xã Bỉm Sơn với tổng số tiền 8 tỷ đồng.
Đến ngày 23-10 vừa qua, Nguyễn Thị Lý đã thông báo với bà Độ về việc đã bị một người khác tại Bình Dương lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 52 tỷ đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an Thanh Hóa đang xác minh giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cảnh giác với hoạt động vay mượn lãi suất cao
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có thông báo đề nghị người dân cần cảnh giác với hoạt động vay mượn tiền lãi suất cao.
Một là, việc cho cùng một người vay số tiền lớn trong thời gian dài với lãi suất cao, không có văn bản hợp đồng vay mượn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, người dân không nên tham gia các hoạt động vay mượn tiền lãi suất cao.
Hai là, người dân cần rà soát, kiểm tra lại các khoản vay để đảm bảo khả năng thanh toán.
Ba là, cho vay với lãi suất vượt mức quy định là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền cho vay.
Bốn là, tuyệt đối không gây mất an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động vay nợ.