Tại kết luận thanh tra liên quan đến một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay trên địa bản TP Hà Nội vào tháng 9-2018 vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP cùng các đơn vị liên quan.
Điển hình trong số này là bốn dự án về xây dựng giao thông, gồm: dự án nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi; dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ đường Tôn Thất Tùng đến sông Lừ); dự án nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn cầu Chui – cầu Đuống; dự án xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 1B đến KĐT mới Việt Hưng.
Theo TTCP, một số chỉ tiêu tại các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách tại Hà Nội không đạt theo thiết kế. Ảnh minh họa
Chỉ định thầu, chậm tiến độ
Theo TTCP, công tác khảo sát, thẩm định và phê duyệt đầu tư tại các dự án trên còn nhiều hạn chế, chất lượng thấp, chưa sát với thực tế, một số dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới thay đổi lớn về quy mô, kết cấu, cắt giảm hạng mục này, tăng khối lượng đối với hạng mục khác với giá trị lớn vượt so với giá trị được phê duyệt ban đầu; tiến độ thực hiện chậm,…
Dự án nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi có chiều dài 3,8 km với tổng mức đầu tư hơn 887 tỉ đồng do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. Sở này trình và UBND TP phê duyệt kế hoạch đấu thầu (trong đó công tác tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công được chia thành 2 gói thầu trị giá hơn 3,8 tỉ đồng) để chỉ định thầu là vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu 2005 và Thông tư 02/2009 của Bộ KH&ĐT.
Ngoài ra, toàn bộ dự án thực hiện chậm so với tiến độ đã được phê duyệt hơn 3,5 năm, nên phải điều chỉnh thời gian thực hiện tới hai lần.
Hay như tại dự án nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn cầu Chui – cầu Đuống với tổng mức đầu tư thay đổi ba lần, từ 98,8 tỉ đồng lên hơn 1.200 tỉ đồng và cuối cùng là gần 1.600 tỉ đồng, do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư.
Theo TTCP, tổng giá trị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công của dự án này là hơn 2,8 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư đã không tổ chức đấu thầu; nghiệm thu sai chi phí thiết kế hơn 1,1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định, thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư thuộc trách nhiệm UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 26-8-2014, giám đốc Ban Quản lý dự án quận Long Biên đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung “Chi phí đo gắn tọa độ diện tích, cắm mốc giao đất, cắm mốc chia lô phục vụ việc giao đất tái định cư" và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư lên gần 1.600 tỉ đồng là trái thẩm quyền, vi phạm Nghị định 112/2009.
Trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư, UBND quận Long Biên ngoài việc sử dụng chi phí dự phòng, còn điều chỉnh 23,5 tỉ đồng từ chi phí giải phóng mặt bằng còn dư chuyển sang hạng mục xây dựng phát sinh, thể hiện công tác khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư chưa sát với thực tế, dẫn đến việc cân đối vốn cho dự án không đúng với các hạng mục được phê duyệt.
Nhiều chỉ số không đạt
Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra, kết quả khoan, kiểm định chất lượng công trình của Viện Công nghệ Giao thông – Bộ GTVT đối với hạng mục bê tông nhựa, cấp phối đá dăm tại một số vị trí của bốn dự án cho thấy kết quả khác nhau.
Trong đó, dự án nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi và dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn về cơ bản đảm bảo và tuân thủ theo yêu cầu thiết kế, kỹ thuật, tuy nhiên hàm lượng nhựa, thành phần hạt chưa thỏa mãn yêu cầu.
Với hai dự án còn lại, TTCP khẳng định một số chỉ tiêu không đạt yêu cầu thiết kế, kỹ thuật.
Cụ thể, tại vị trí Km2+100 phải tuyến của dự án nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn cầu Chui – cầu Đuống, tổng chiều dày kết cấu áo đường nhỏ hơn so với thiết kế là 1,68 cm; bê tông nhựa nhỏ hơn 1,28 cm; cấp phối đá dăm 79,6 cm/80 cm; thành phần hàm lượng nhựa lớp trên, dưới và thành phần hạt cấp phối đá dăm lớp trên, dưới không thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật.
Cũng của dự án này, tại vị trí Km2+850 trái tuyến, tổng chiều dày kết cấu áo đường nhỏ hơn so với thiết kế là 6,64 cm; bê tông nhựa nhỏ hơn 1,44 cm; cấp phối đá dăm nhỏ hơn 5,2 cm; thành phần hàm lượng nhựa lớp trên, dưới và thành phần hạt cấp phối đá dăm lớp trên, dưới không thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật.
Với dự án xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 1B đến KĐT mới Việt Hưng, tại vị trí Km1+66729 (trái tuyến trục chính), chiều dày lớp bê tông nhựa thiếu 0,85 cm, hàm lượng nhựa lớp bê tông mịn thiếu 1,5%, hàm lượng nhựa lớp thô thiếu 1,5%.
Tại Km0+07 (đường nhánh trái tuyến), độ dày lớp bê tông nhựa thiếu 0,3 cm; hàm lượng nhựa lớp bê tông nhựa lớp trên thiếu 1,42%; hàm lượng nhựa lớp dưới thiếu 0,79%; thành phần hạt lớp móng trên không thỏa mãn yêu cầu (2/8 mắt sàng không đạt); chiều dày cấp phối đá dăm móng dưới thiếu 5,5 cm.