Hiện nhiều kênh thông tin gọi là “phố hàng rong” có lẽ chưa chính xác. Đã gọi là hàng rong thì phải rong ruổi trên đường, chứ đã có nơi chốn mua bán ổn định sao lại còn gọi là “phố hàng rong”? Thiển nghĩ nên gọi đây là “khu ẩm thực đường phố”.
Mô hình mong được nhân rộng
Khu ẩm thực đường phố mới khai trương nhưng đã thu hút đông đảo thực khách, đa số là công nhân, viên chức trẻ bởi địa điểm thuận lợi ở trung tâm TP, gần Nhà văn hóa Thanh niên, gần nhiều cơ quan, công ty. Thức ăn lại được bày biện trông rất hấp dẫn, vệ sinh thực phẩm an toàn.
Hôm rồi đi chợ sách Nguyễn Văn Bình, tiện đường tính qua phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm ăn thử. Đang loay hoay tìm chỗ gửi xe, tôi bất ngờ gặp bà Tư Hát, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường tôi, đi với cô chủ quán cơm tấm gần ủy ban phường. Cả hai đang gửi xe để đi ăn ở “phố hàng rong”. Thấy tôi ngạc nhiên, bà Tư Hát bảo: “Bộ ông tưởng chỉ có mấy cô cậu trẻ tuổi, thanh niên, sinh viên mới đi ăn ở đây sao? Tôi và cô Chín “cơm tấm” đi ăn để tìm hiểu, học hỏi mô hình tổ chức của người ta, về tham mưu cho ủy ban phường mình xây dựng “phố ẩm thực” giúp gom bà con bán hàng ăn lại một khu thử xem sao”. Tôi bảo bà Tư Hát tôi ủng hộ hai tay hai chân ý tưởng của bà. Nhưng không biết bà con có ủng hộ không. Với lại, dân cư ở khu mình hầu hết là công nhân viên, lao động nghèo, họ tiện đâu ăn đó, họ có chịu khó đến khu ẩm thực tập trung ăn không? Bà Tư bảo: “Không làm sao biết là được hay không. Ông thấy đó, khu mình đường thì nhỏ, lề đường thì hẹp, nếu tiếp tục chuyện dẹp lề đường, bà con làm sao buôn bán vì không có chỗ để xe. Chi bằng tôi tham mưu ủy ban lấy khu đất trống cạnh ủy ban chưa biết bao giờ mới sử dụng, tổ chức xây dựng thành “khu phố ăn uống” cho bà con bán không thu thuế, chỉ đóng tiền dựng sạp một lần và thu tiền điện nước hằng tháng. Làm khu ăn uống ở đây vừa kiểm tra được vệ sinh an toàn thực phẩm, lại cạnh tranh có khi giá rẻ hơn cũng nên”.
Mô hình thí điểm phố hàng rong được nhiều người dân hưởng ứng.
Biết bao giờ mới được “lên đời”
Chưa có con số thống kê chính thức nào và có lẽ không thể thống kê được là có bao nhiêu người bán hàng rong ở TP.HCM. Con số những người được coi như chuyên bán hàng rong - chủ yếu là hàng ăn, rau quả và các loại thực phẩm khác - có hộ khẩu thường trú ở TP, được địa phương thống kê chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với con số thực là lực lượng người nhập cư không hộ khẩu, một số ít khai tạm trú, nhiều người không khai bởi nay thuê ở chỗ này, mai chuyển đi thuê chỗ khác để tiện buôn bán. Có người từ các tỉnh, thời gian nông nhàn đến TP bán hàng rong mấy tháng kiếm ít tiền rồi về... Nhưng có nhiều người từ tỉnh vào bán hàng rong ở TP nhiều năm, gửi tiền về quê nuôi sống gia đình, cho con cái ăn học... Một số người nhập cư nhờ bán hàng rong đã tích cóp mua được nhà ở TP, tạm trú KT3 rồi được đăng ký hộ khẩu, đưa con cái vào ăn học thành tài.
Hơn 10 năm trước, chiều cuối tuần, tôi thường ngồi lai rai với vài người bạn ở cái quán bờ kè. Có một chị bán đậu phộng nấu và chả nem người Quảng Ngãi, dáng gầy gò, đạp một chiếc xe cà tàng trông rất thảm. Chị bảo chồng chị làm phụ xe bị tai nạn chết, để lại cho chị hai đứa con, chị phải gửi bà ngoại, vào đây mua bán kiếm tiền gửi về nuôi con. Tôi thường mua ủng hộ chị nên quen mặt. Sau này bờ kè thành đường, quán dẹp, tôi cũng dời nhà nên không gặp chị ấy nữa. Tôi quên bẵng nhưng vừa rồi tôi tình cờ gặp chị ở một phòng công chứng khi đi sang tên nhà. Thật bất ngờ khi biết chị cũng đang sang tên nhà. Chị mập hơn nên tôi không nhìn ra nhưng chị nhận ra tôi, mừng rỡ hỏi thăm. Thì ra sau này chị không bán đậu phộng, nem chả nữa mà chuyển sang bán vé số. Mấy tháng trước bán còn mấy vé chị giữ lại và chị may mắn trúng độc đắc một vé, bèn mua căn nhà hơn 1 tỉ đồng ở Gò Vấp. Chị cũng khoe đã có hộ khẩu và đưa hai đứa con vào trong này ăn học. Tôi thành thật chúc mừng chị.