Hành nghề không phép còn thách thức cơ quan chức năng

(PLO)- Sở Y tế TP.HCM đề xuất xử lý nghiêm các hành vi hành nghề không phép còn thách thức các cơ quan chức năng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngành y tế 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.

Thách thức cơ quan nhà nước "qua làm đẹp"

Ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết một trong những thách thức của ngành y tế trong 3 tháng cuối năm là xuất hiện các hành vi hành nghề không phép thách thức cơ quan chức năng.

Theo ông Hân, gần đây xuất hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh không phép, thách thức cơ quan chức năng như trên trang thông tin chính thức của Sở Y tế TP.HCM và báo đài đưa tin.

“Thực tế công tác tiếp nhận thông tin, giải quyết những kiến nghị, phản ánh của người dân than phiền rất nhiều về hoạt động hành nghề không phép gây hậu quả, biến chứng, thậm chí tử vong. Thêm đó còn liên quan đến vụ lợi, mất an ninh trật tự, cạnh tranh không lành mạnh” - ông Hân cho hay.

hanh-nghe-khong-phep2.jpg
Một chủ cơ sở làm đẹp thách thức cơ quan nhà nước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo đó, thực trạng hành nghề không phép còn gắn với vấn đề quảng cáo trái phép trên mạng xã hội (MXH). Nhiều cơ sở lợi dụng sự phát triển của MXH để quảng cáo trái phép, sử dụng những hình ảnh của các BV, cơ sở y tế đã có thương hiệu, chuyên gia y tế gây ảnh hưởng để lôi kéo người dân, vụ lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng theo quy định hành nghề.

Thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp Công an TP, UBND quận, huyện và phòng y tế quận, huyện kịp thời phối hợp kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Thậm chí có những trường hợp Thanh tra Sở phải chuyển cho cơ quan điều tra vì hành nghề trái phép nhưng còn thách thức cơ quan quản lý.

Vừa qua, Sở Y tế kiểm tra đột xuất phát hiện 20% cơ sở hành nghề không phép trong tổng số các trường hợp kiểm tra đột xuất. Hiện vẫn có một số cơ sở vì báo cáo bằng văn bản nên chậm, không kịp thời phối hợp xử lý. Thanh tra Sở Y tế đã nhắc các cơ sở có thể thông báo nhanh qua điện thoại.

Sắp tới, ngoài kiểm tra phản ứng nhanh, Thanh tra sở sẽ phối hợp UBND quận, huyện, phòng y tế để kiểm tra một số cơ sở làm đẹp trên địa bàn.

“Vấn đề nan giải, khó khăn hiện nay là hành nghề không phép, quảng cáo trên MXH. Vì thế kêu gọi cả hệ thống y tế cùng các cơ quan chức năng kịp thời thông tin cho thanh tra qua ứng dụng y tế trực tuyến và số điện thoại đường dây nóng, để công tác phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Tất cả hoạt động này nhằm giúp người dân TP.HCM có địa chỉ khám chữa bệnh chất lượng, an toàn” - ông Hân nhận định.

Phải xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Hành nghề không phép hay quảng cáo sai là vấn đề không mới nhưng nếu làm quyết liệt sẽ phát hiện ra nhiều trường hợp hành nghề trái phép, thậm chí thách thức cơ quan nhà nước.

Theo ông Thượng, tại Hàn Quốc, tất cả người hành nghề thẩm mỹ từ xâm lấn đến không xâm lấn đều có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế Hàn Quốc cấp. Trong khi đó ở nước ta thì khác, chứng chỉ hành nghề thực hiện các thủ thuật không xâm lấn sẽ do quận, huyện cấp. Chính vì vậy rất dễ tạo điều kiện cho nhóm người này “lấn sân” sang mảng y tế.

“Sắp tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị Bộ Y tế xem xét, bắt buộc tất cả các thủ thuật xâm lấn hay không đều phải có chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế. Nếu người hành nghề không được cấp phép còn thách thức cơ quan nhà nước, đề xuất TP xử lý nghiêm” - ông Thượng nhấn mạnh.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Cần phối hợp chặt chẽ trong xử lý ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ở tiệc trung thu khiến một trẻ tử vong, đại diện Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết đến hiện tại, ghi nhận có 24 trường hợp ngộ độc trong vụ này nhập viện. Hiện nay sức khỏe các trường hợp ngộ độc đã ổn định và xuất viện.

hanh-nghe-khong-phep1.jpg
Hội nghị sơ kết hoạt động ngành y tế 9 tháng đầu năm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã thành lập tổ kiểm tra thực tế trên địa bàn, đánh giá và nhận định diễn tiến kịp thời để đề ra giải pháp xử lý. Sở có các văn bản triển khai đến các đơn vị để tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp xảy ra tiếp theo và điều tra nguyên nhân. Sở cũng thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá trường hợp tử vong, nhìn ra vấn đề cần rút kinh nghiệm” - đại diện này nói.

Theo đó, về phát hiện sớm, phối hợp xử lý kịp thời khi tiếp nhận các trường hợp ngộ độc, đại diện này cho rằng ngành y tế sẽ phải triển khai đồng bộ, phối hợp báo cáo và đề ra các giải pháp kịp thời, không để ảnh hưởng tới các diễn tiến tiếp theo.

Qua vụ việc này, Sở Y tế nhìn nhận cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là các vụ ngộ độc sau khi dự tiệc, vì đây là nguy cơ cao có thể xảy ra ngộ độc hàng loạt.

Sở yêu cầu các bệnh viện (BV), trung tâm y tế khi tiếp nhận các trường hợp ngộ độc phải nhạy bén, đánh giá nhanh và báo cáo nhanh qua điện thoại về Sở rồi mới báo cáo bằng văn bản sau.

Sở đề nghị các đơn vị tập huấn cho tất cả nhân viên y tế, nhân viên phòng khám, cấp cứu về quy trình tiếp nhận chẩn đoán xử trí các trường hợp ngộ độc, đánh giá tình trạng nào cần nhập viện. Ngoài ra cần phối hợp ban An toàn thực phẩm, HCDC,… để lấy mẫu nhằm điều tra nguyên nhân.

“Nhiệm vụ của trung tâm y tế, phòng y tế là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tăng cường truyền thông cho người dân hiểu biết hơn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vào các dịp lễ tết” - vị này nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm