Ngày 6-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã phúc thẩm hai vụ kiện của chị em Phan Thị Tuyết Loan (SN 1976) và Phan Thị Kim Phụng (SN 1980) tranh chấp bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng đối với TAND huyện Tháp Mười.
Theo đó, HĐXX giữ nguyên mức bồi thường mà TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên tòa cấp dưới phải bồi thường cho bà Phụng là gần 220 triệu đồng. Đây là số tiền bồi thường bà Phụng cho 282 ngày bị tạm giam tạm giữ, 711 ngày bị khởi tố, truy tố xét xử mà không bị tạm giam, tạm giữ, chi phí bị mất và giảm sút thu nhập thực tế cùng các khoản chi phí tàu xe, chi phí đi khiếu nại và các chi phí khác các bên thỏa thuận. Đối với trường hợp bà Loan là hơn 68 triệu đồng.
Trước đó, chị em bà Phụng, Loan có kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại về số tiền bồi thường. Hai chị em không đồng ý với số tiền bị mất và giảm sút thu nhập mà tòa án ấn định. Ngoài ra, chị em bà Phụng còn đòi thêm các khoản tiền bồi thường tổn thất sức khỏe, chi phí luật sư, cấp dưỡng cho cha mẹ…
Viết trong đơn kháng cáo, chị em bà Phụng, Loan tha thiết mong tìm được sự công bằng trong hành trình đi kêu oan tính đến nay là gần 17 năm.
Hai chị em bà Phụng, Loan và đại diện TAND huyện tại phiên xử sáng nay. Ảnh: HY
Tháng 8-1998, UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thông báo thu hồi 5.000 m² đất của ông Phan Văn Bình (cha của hai bà) cho dự án khu dân cư Chợ Mới, thị tứ Trường Xuân.
Ông Bình khiếu nại cho rằng phần đất của mình nằm ngoài quy hoạch. Hai năm sau, UBND huyện tiến hành cắm cọc, giăng dây, hai chị em bà Loan và Phụng bị bắt về tội chống người thi hành công vụ.
Cuối năm 2000, TAND huyện Tháp Mười xét xử, tuyên phạt bà Phụng 12 tháng tù, bà Loan chín tháng án treo. Bản án này sau đó bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên hủy án giao về điều tra, xét xử lại. Sau phiên tòa này, bà Phụng được trả tự do và bắt đầu hành trình khiếu nại, đòi lại đất cho gia đình, đòi công bằng, danh dự cho hai chị em.
Tháng 9-2002, UBND huyện và các ban ngành tiến hành cưỡng chế, ba căn nhà của gia đình bị tháo dỡ. Đến tháng 3-2003, công an ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án chống người thi hành công vụ với chị em bà Phụng, Loan vì “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm với xã hội”. Và từ năm 2009 UBND huyện Tháp Mười vẫn liên tục cưỡng chế phần đất gia đình này đang khiếu nại để xây nhà công vụ và phân nền cho các hộ dân khác.
Mãi đến năm 2013, chủ tịch tỉnh Đồng Tháp tiếp bà Phụng mới công nhận mảnh đất của gia đình bà nằm ngoài phạm vi quy hoạch. Tháng 11-2015, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hành vi của bà Phụng và bà Loan không phạm tội và được cải chính xin lỗi theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Việc đền bù lại giá trị mảnh đất đã được UBND huyện Tháp Mười tiến hành ngay sau đó. Gia đình chị em bà Phụng, Loan được bồi thường 5,3 tỉ đồng. Và đến tháng 10-2016, TAND huyện mới tổ chức buổi xin lỗi vì đã làm oan sai cho chị em bà Phụng, Loan. Đầu tháng 11-2016, chị em bà Phụng, Loan nộp đơn khởi kiện vụ tranh chấp đòi tiền bồi thường gây oan sai của tòa án huyện này.