SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan) là khoảnh khắc mang tính lịch sử sau khoảng thời gian bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập trở lại với sân chơi Đông Nam Á. Trước giải, đội tuyển Việt Nam không được đánh giá cao và bị xem là đội lót đường. Tuy nhiên, đội bóng của cố HLV người Đức, Karl Heinz Weigang đã gây sốc với tất cả khi lọt vào đến tận trận chung kết.
HLV Weigang có công lớn giúp bóng đá Việt Nam “hội nhập” thành công với sân chơi khu vực.
Ở vòng bảng Việt Nam thắng 3 thua 1 đứng nhì bảng đấu lọt vào bán kết. Trận thua duy nhất ở vòng bảng của Việt Nam là trước chủ nhà Thái Lan với tỉ số 1-3. Trong khi đó, Việt Nam xuất sắc đánh bại hai đối thủ mạnh là Malaysia 2-0 và đặc biệt là trận thắng quyết định 1-0 trước Indonesia đưa Việt Nam vào bán kết. Người lập công ghi bàn duy nhất trận cho Việt Nam là tiền vệ Hữu Đang.
Vào bán kết, Việt Nam lại tiếp tục gây bất ngờ khi đánh bại Myanmar 2-1, với bàn thắng quyết định trong hiệp phụ của tiền đạo Trần Minh Chiến. Cú tung chân volley ghi bàn trong vòng cấm của Minh Chiến là khoảnh khắc không thể nào quên với những người yêu và quan tâm đến bóng đá Việt Nam.
Vào chung kết, tuyển Việt Nam tái ngộ chủ nhà Thái Lan và lại thất thủ toàn diện 0-4. Tuy nhiên, chiếc HCB của tuyển Việt Nam ở SEA Games 1995 là thành công ngoài mong đợi, làm nức lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Chính giải đấu này là tiền đề để sau đó bóng đá Việt Nam thăng hoa, trở thành ông lớn thật sự của khu vực.
“Thế hệ vàng 1995” với hậu vệ Đỗ Khải, tiền đạo Minh Chiến, thủ môn Văn Cường, tiền đạo Huỳnh Đức, tiền vệ Hữu Đang.
Cũng kể từ đây, người hâm mộ bóng đá mới biết thế nào là... đi bão và từ đó nó trở thành đặc sản, là thói quen của người hâm mộ sau những thành công của đội tuyển nước nhà.
Tuy nhiên, “thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam lại chưa bao giờ đứng trên bục cao nhất của bóng đá Đông Nam Á vì cái bóng quá lớn của Thái Lan kể từ hai trận thua ở SEA Games năm đó. Khi đứng trước ngưỡng cửa thiên đường, bóng đá Việt Nam lại bị người Thái ngăn chặn. Biết bao nhiêu lần Việt Nam vào đến chung kết là lại thua Thái Lan.
Trong lần hiếm hoi vượt qua Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup) trên sân nhà thì thầy trò HLV Alfred Riedl lại thua cay đắng Singapore 0-1 trong trận chung kết.
“Thế hệ vàng” vẫn mãi là... thế hệ bạc. Bạc từ chiếc huy chương cho đến số phận của họ...
Do cứ thua mãi người Thái nên cái dớp sợ Thái nó cứ vận vào bóng đá Việt Nam hết lứa cầu thủ này đến lứa cầu thủ khác. Ngay cả khi đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup 2008 nhờ cái đầu của Công Vinh đúng phút bù giờ cuối cùng thì Việt Nam vẫn không thể xoá đi cái dớp sợ Thái Lan.
Nhưng mọi thứ giờ đã khác khi chúng ta may mắn tìm được HLV Park Hang-seo. Dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Hàn Quốc, chỉ trong vòng chưa đầy một năm rưỡi, bóng đá Việt Nam đã cho bóng đá Thái Lan “ngửi khói”.
Đỉnh cao vô địch AF Cup 2018 của bóng đá Việt Nam.
Hai đội tuyển dù không “chạm mặt trực tiếp” nhưng khi thi đấu ở bất cứ giải nào thì thành tích của bóng đá Việt Nam vẫn luôn cao hơn Thái Lan.
Đầu tiên là VCK U-23 châu Á đầu năm 2018, trong khi U-23 Việt Nam gây địa chấn lọt vào chung kết thì Thái Lan bị loại từ vòng bảng. Asiad 18, Olympic Thái Lan cũng thất bại ê chề ngay từ vòng bảng thì Việt Nam trở thành đệ tứ anh hào của giải.
Trở về ao làng Đông Nam Á đá AFF Cup 2018, Thái Lan bị Việt Nam truất ngôi vương. Tuyển Thái Lan bị loại ở bán kết trước Malaysia, còn tuyển Việt Nam đăng quang đầy thuyết phục với thành tích bất bại trong xuyên suốt giải đấu.
Cuối cùng là đầu năm 2019 tại Asian Cup, đội tuyển Việt Nam lọt vào Top 8 đội mạnh nhất châu Á còn Thái Lan dừng bước ở vòng 16 đội.
Chỉ trong vòng hơn một năm, gió đã xoay chiều khi bóng đá Việt Nam dường như đã giành lấy mất danh hiệu ông vua Đông Nam Á từ tay Thái Lan. Đây là nhận định của truyền thông khu vực và châu Á chứ không riêng ở Việt Nam.
Trong hành trình kỳ diệu cùng bóng đá Việt Nam, thầy Park khởi đầu bằng chính chiến thắng Thái Lan. Tại giải giao hữu M150, cú đúp của Công Phượng đã giúp U-23 Việt Nam thắng Thái Lan 2-1 ngay trên đất Thái. Nhưng đó chỉ là giải đấu giao hữu, người Thái không phục và cho rằng Việt Nam vẫn chưa vượt mặt theo cách đối đầu trực tiếp với Thái Lan.
Bóng đá Việt Nam thay đổi ngoạn mục nhờ HLV Park Hang-seo.
Nhưng tất cả đã khác vào đêm qua (26-3) khi U-23 Việt Nam đã đánh bại U-23 Thái Lan với tỉ số mang tính lịch sử 4-0 đầy thuyết phục trong một trận đấu chính thức, vòng loại U-23 châu Á trên sân nhà Mỹ Đình.
U-23 Việt Nam đã khiến Thái Lan tắt điện hoàn toàn khi không cho đối thủ có lấy một cơ hội rõ ràng nào về phía khung thành thủ môn Bùi Tiến Dũng. Điều đó khiến người Thái ức chế đến nỗi tiền đạo chủ lực Supachai không kiềm chế phạm lỗi đánh thẳng vào mặt Đình Trọng và bị nhận thẻ đỏ.
Thất bại toàn diện trước Việt Nam khiến người Thái tâm phục khẩu phục và thừa nhận ngôi vua Đông Nam Á - King of Asean của người Thái đã được chuyển giao cho Việt Nam.
Trong hành trình vòng loại lần này, điều thú vị là Indonesia lại đóng vai “làm nền”, là chứng nhân lịch sử giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan khi U-23 Indonesia bị U-23 Việt Nam đánh bại 1-0.
24 năm trước, bóng đá Việt Nam trỗi dậy nhưng vẫn thua Thái Lan 0-4, 24 năm sau, lịch sử đã viết lại khi U-23 Việt Nam đánh bại đối thủ đúng bằng tỉ số 4-0.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam sống trong hạnh phúc trong suốt hơn một năm qua.
Dẫu biết trong bóng đá không thể nói trước điều gì, hôm nay chúng ta có thể thắng, ngày mai có thể lại thua. Đó là chuyện thường tình...
Nhưng trên tất cả, như chính HLV Park Hang-seo nói trong cuộc họp báo sau trận thắng U-23 Thái Lan rằng, “Từ nay trở đi, bóng đá Việt Nam không cần phải sợ Thái Lan nữa”.
Đó là điều quan trọng nhất và “lời nguyền” mang tên Thái Lan đã chính thức bị phá bỏ sau đúng... hai con giáp.