Sáng 26-9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức hội nghị giao ban báo chí quý III-2019. Tại đây, các vấn đề như vụ sập mái hội trường ở huyện Châu Thành, kết quả thanh tra việc xả thải tại Nhà máy đường - cồn Long Mỹ Phát... đã được ngành chức năng thông tin.
Rà soát tất cả công trình ở Châu Thành
Về việc hội trường 250 chỗ ở thị trấn Ngã Sáu của huyện Châu Thành bị sập mái hôm 10-8, ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, cho hay chủ đầu tư công trình này là Công ty TNHH TM-DV Huỳnh Trân do ông Huỳnh Đăng Khoa làm giám đốc (có trụ sở đặt tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Ngày xảy ra sự cố sập mái cũng chính là ngày chuẩn bị tổ chức đại hội chi bộ cơ sở. Tuy nhiên, thời điểm sập không có ai trong hội trường nên không có thiệt hại về người.
Hiện nay Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) đang tiến hành lấy mẫu để phân tích, xác định nguyên nhân vụ sập mái hội trường. “Dự kiến tuần tới, phân viện này sẽ làm việc lần nữa để thực hiện kiểm định chất lượng. theo quy trình, dự kiến khoảng ba tháng mới có kết quả” - ông Châu thông tin.
Trong diễn biến mới nhất, theo ông Châu, Huyện ủy vừa có văn bản chỉ đạo UBND huyện yêu cầu rà soát lại toàn bộ các công trình đã, đang và sắp triển khai xây dựng trên địa bàn huyện để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như vừa qua.
Vị trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành cũng bác bỏ thông tin cho rằng Giám đốc Huỳnh Đăng Khoa có quan hệ bà con với cựu bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh. “Anh Khoa nhà ở huyện Châu Thành, là hàng xóm với anh Bảy Chánh (ông Trần Công Chánh - PV), chứ không có bà con gì hết” - ông Châu khẳng định.
Thiệt hại về thủy sản do ô nhiễm nước sông ở thị xã Long Mỹ nhiều lần được bà con phản ánh. Ảnh nhỏ: Hiện trường vụ sập mái hội trường 250 chỗ ngồi. Ảnh: C.ANH
Chưa có kết luận vụ ô nhiễm nguồn nước ở thị xã Long Mỹ
Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm là việc xả thải của nhà máy thuộc Công ty mía đường - cồn Long Mỹ Phát làm thiệt hại thủy sản của bà con sống ven sông ở thị xã Long Mỹ. Và từ đầu tháng 5, ngành chức năng kiểm tra nhà máy trên, phát hiện nơi đây có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, thế nhưng việc xử lý vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh cho hay khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Hậu Giang đã thành lập đoàn kiểm tra và cũng đã có quyết định xử phạt tiền hơn 700 triệu đồng nhà máy trên. Hình thức phạt bổ sung là buộc nhà máy dừng hoạt động 4,5 tháng kể từ ngày 23-7, đồng thời khắc phục các công trình bảo vệ môi trường, khi nào hoàn thành phải có báo cáo cho ngành chức năng tỉnh kiểm tra, xác nhận.
“Tuy nhiên, đến thời điểm này phía công ty chưa có báo cáo gì dù đến nay đã tới vụ mía” - đại diện Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang nói. Vị này cho biết thêm Thanh tra của Bộ TN&MT cũng thành lập đoàn đến trực tiếp để thanh tra, kiểm tra nhà máy. Sau đó, đoàn cũng có hội ý tổ chức họp để trao đổi thông qua một số nội dung nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra.
Hậu Giang sẵn sàng phối hợp với báo chí Bên cạnh các vấn đề nóng xảy ra trên địa bàn tỉnh, tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang, cũng đánh giá cao đóng góp của các cơ quan báo chí. Cụ thể, theo ông, trong quý III-2019, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, cơ quan thường trú trên địa bàn tỉnh đã bám sát định hướng tuyên truyền, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Báo chí đã tập trung phản ánh khá đầy đủ, sinh động, kịp thời các diễn biến trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội của bà con trên địa bàn tỉnh; đáp ứng nhu cầu đọc và tìm hiểu thông tin của người dân và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. “Với tinh thần cầu thị, rộng đường dư luận và chính thống, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các cơ quan báo chí” - ông Tình khẳng định. |