Hầu hết người tử vong do bệnh dại không tiêm vaccine

(PLO)- Các chuyên gia khuyến cáo cách phòng ngừa bệnh dại hiệu quả nhất là tiêm phòng dại cho vật nuôi, tiêm vaccine ngừa dại ở người khi bị chó, mèo cắn.

Ngày 27-9, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Cục Thú ý- Bộ NN&PTNT, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường vai trò các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng, chống bệnh dạithuộc chương trình quốc gia 2022-2030.

Hoi-thao-phong-chong-benh-dai 1-Gia Lai.jpg
Hội nghị thảo luận, đưa ra các giải pháp tăng cường ngăn ngừa bệnh dại. Ảnh: NN.

Hội nghị nhằm tăng cường vai trò của UBND cấp tỉnh, các lĩnh vực khác bên cạnh ngành y tế, thú y về công tác phòng chống bệnh dại; tăng tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, quản lý đàn chó. Đồng thời tăng tỉ lệ điều trị dự phòng dại bằng vaccine, huyết thanh kháng dại cho người bị động vật nghi dại cắn.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung chín ca; Tây Nguyên 15 ca... Riêng tỉnh Gia Lai có số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến với 11 ca, cao nhất cả nước.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng điều đáng lo ngại là hầu hết ca tử vong đều không tiêm vaccine ngừa dại hoặc tiêm không đủ liều sau khi bị chó cắn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý, tiêm phòng cho đàn chó còn yếu kém.

Theo Bộ NN&PTNN, năm 2023 cả nước có trên 7,4 triệu con chó được nuôi ở 4,7 triệu hộ gia đình, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên cả nước chỉ đạt trên 47%.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp phòng, chống bệnh dại được đề xuất như tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan; nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong việc nuôi, tiêm phòng cho đàn chó.

Đồng thời, mở rộng các điểm tiêm vaccine công lập cho người bị chó mèo cắn; đảm bảo nguồn cung cấp vaccine phòng bệnh dại cho người và động vật; tăng cường công tác giám sát, theo dõi, xử lý các trường hợp mắc bệnh dại.

Hoi-thao-phong-chong-benh-dai -Gia Lai 2.jpg
Các chuyên gia khuyến cáo cách ngăn ngừa bệnh dại hiệu quả nhất là tiêm phòng dại cho vật nuôi. Ảnh: NN

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng chương trình Khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế), công tác phòng chống bệnh dại ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với các ban ngành đoàn thể.

Ngành thú y cần tăng cường tiêm phòng trên đàn chó, ít nhất đạt mức 70% tổng đàn chó thì mới có thể hướng tới khống chế bệnh dại trên động vật.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay bệnh dại vẫn chưa có thuốc đặc trị nên khi bị vi rút dại tấn công, nguy cơ tử vong tới 100%. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng dại cho vật nuôi và tiêm vaccine ngừa dại ở người khi bị chó, mèo nghi dại cắn; hiệu quả nhất là tiêm trước 24 giờ sau khi bị cắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm