Chiều ngày 20-6, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cùng Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam đã có chuyến khảo sát một số trung tâm logistics lớn ở Hà Nội.
Khảo sát tại Kho vận miền Bắc thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hiện ở đây đang có khoảng hơn 600 công nhân viên với hơn 100 xe từ 5 tấn đến 15 tấn. Tần suất lăn bánh của tất cả các xe là khoảng hơn 50.000 km/ngày.
Quét mã QR Code trước khi chuyển hàng hóa về các tỉnh tại Kho vận miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Ảnh: AN HIỀN
Ông Võ Đình Nguyên, Giám đốc Kho vận miền Bắc, cho biết: "Vừa qua trong diễn biến của dịch COVID-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công ty rơi vào tình cảnh khó khăn nhưng công ty chúng tôi không chịu nhiều ảnh hưởng. Trái lại, sản phẩm bưu điện có lúc tăng lên gấp đôi. Hiện tại thì mọi hoạt động đã trở lại bình thường".
Tại Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (viết tắt là NCTS) hiện cũng đang có khoảng 800 cán bộ công nhân viên. NCTS là một công ty con trực thuộc Vietnam Airline chuyên phục vụ hàng hóa hàng không cho 28 hãng hàng không trong nước và quốc tế trong tổng số 57 hãng hàng không đang khai thác hoạt động tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Đoàn khảo sát tại Kho vận miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Ảnh: AH
Ông Đinh Trọng Sơn, Phó tổng giám đốc NCTS, cho biết trong diễn biến của dịch COVID-19, công ty cũng có bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể.
"Công ty đã thành lập được 15 năm, các chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu, lợi nhuận cổ tức cho cổ đông hàng năm công ty đều đạt tăng trưởng tốt. Các năm công ty đều trả cổ tức cho cổ đông đạt 85%, riêng năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên dự kiến kế hoạch là 75%" - ông Sơn nói.
Quầy làm thủ tục hàng nhận của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Ảnh: AH
Có một điều khá đặc biệt tại các trung tâm logistics lớn ở Hà Nội mà đoàn đã tiến hành khảo sát, đó là luôn có một hệ thống camera được trang bị dày đặc, san sát nhau khắp ngóc ngách để đảm bảo tất cả các hoạt động được kiểm soát hoàn toàn.
Bà Lê Thị Ninh, Trưởng phòng Kinh doanh của NCTS, cho biết: "Mọi người đều rất thích hệ thống này vì họ tin tưởng việc phục vụ hàng hóa của họ luôn luôn được giám sát chặt chẽ. Hệ thống camera này cũng có tác dụng là khi quá trình phục vụ hàng hóa có vấn đề gì đó, hoặc có khiếu nại thì chúng tôi đều truy xuất lại được điều này" - bà Ninh nói.
Theo bà Ninh, những hình ảnh hoạt động này theo quy định của Cục Hàng không sẽ được lưu trữ trong 45 ngày. Trường hợp đặc biệt có thể lưu trữ lâu hơn trong nhiều năm và luôn luôn có nhân viên giám sát camera.
Hệ thống camera dày đặc gắn trên các cột của kho vận miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Ảnh: AH
Một điều đặc biệt khác của NTCS, đó là việc vận chuyển những hàng 'siêu trường siêu trọng'.
"Ví dụ toàn bộ thiết bị làm phim King Kong ở Ninh Bình, hay việc phục vụ các động vật sống từ những chú cá heo mang về Hạ Long, hay vận chuyển bò sữa của công ty sữa Vinamilk hay TH True Milk... đều do công ty chúng tôi phục vụ" - bà Ninh cho biết.
Được biết, cùng với hoạt động khảo sát các trung tâm logistics ở Hà Nội, Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam còn tổ chức các chuyến khảo sát các trung tâm logistics ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Các chuyến khảo sát này ngoài việc cung cấp thêm kiến thức, thông tin về hoạt động logistics thực tế tại các doanh nghiệp, chuyến đi cũng góp phần tăng cường giao lưu, kết nối giữa các trường có đào tạo về logistics. Hiện Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam đã có sự tham gia của hàng chục trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.