Báo South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ghi nhận tính đến 6 giờ sáng 13-2 có 1.363 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 60.063 ca nhiễm.
Trong 1.363 ca tử vong thì có đến 1.361 ca ở Trung Quốc đại lục.
Phần lớn số ca tử vong và ca nhiễm mới đều từ tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch (1.310 ca tử vong và 48.206 ca nhiễm).
Đáng lo ngại, số ca tử vong mới ở Hồ Bắc được thông báo sáng 13-2 tăng hơn gấp đôi so với số ca nhiễm được thông báo ngày 12-2. Số ca nhiễm mới thông báo sáng 13-2 tăng gấp cả 10 lần số ca nhiễm thông báo ngày 12-2.
Cụ thể, con số thông báo sáng 13-2, Hồ Bắc có thêm tới 242 ca tử vong mới, so với con số cũ ngày 12-2 là 94 ca.
Số ca nhiễm mới thông báo ngày 13-2 ở Hồ Bắc là 14.840 ca (Vũ Hán chiếm phần lớn: 13.436 ca), tăng gấp 10 lần so với số ca nhiễm mới được thông báo ngày 12-2 (1.638 ca).
Tăng đột biến do thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán
Giải thích về việc số liệu tử vong, nhiễm tăng đột biến, Ủy ban Y tế Hồ Bắc cho biết bắt đầu từ ngày 13-2, họ đã thay đổi các tiêu chuẩn chẩn đoán nhằm xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: SCMP
Theo đó, các bác sĩ có toàn quyền dựa vào dữ liệu chẩn đoán lâm sàng của mình với bệnh nhân và kết luận bệnh nhân nào đã bị nhiễm.
“Từ hôm nay, chúng tôi sẽ bao gồm số ca được chẩn đoán lâm sàng vào số ca đã được xác định nhiễm, để các bệnh nhân có thể được điều trị kịp thời” – nhà chức trách y tế Hồ Bắc thông báo ngày 13-2.
Trước đó, các bệnh nhân chỉ được xác định nhiễm bệnh sau khi được xét nghiệm qua thiết bị, vốn đang rất thiếu hụt ở Trung Quốc. Nhà chức trách y tế Hồ Bắc nói phương pháp mới sẽ “cho phép các bệnh nhân được điều trị đúng chuẩn giống như một ca nhiễm càng sớm càng tốt”.
Thay đổi này từng được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đề cập trong thông báo ngày 8-2. Trong thông báo, bên cạnh giải thích chuyện thay đổi cách xác nhận ca nhiễm ở Hồ Bắc, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói rõ với tiêu chuẩn trước đây, số ca nhiễm được khẳng định không nhiều nhưng số ca nghi nhiễm lại rất cao.
Phòng bệnh chuẩn bị đón bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: AP
Như vậy có thể hiểu tất cả các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng là nhiễm COVID-19 đều được xác định là ca nhiễm trong con số công bố mỗi ngày. Trước đây chỉ những bệnh nhân xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19 mới bị xếp vào con số ca nhiễm.
Việc thay đổi tiêu chuẩn có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán tốt hơn, có thể dựa vào tổng hợp các yếu tố khác nhau (như các triệu chứng bị bệnh về hô hấp nghiêm trọng, hình ảnh chụp phổi, điều kiện cơ thể, lịch sử bệnh tật) để có chẩn đoán.
Bệnh nhân được cứu chữa kịp thời
Ông Tong Zhaohui – một chuyên gia trong nhóm chỉ đạo trung ương hiện đang chỉ đạo chống dịch ở Hồ Bắc và là Phó Giám đốc BV Chaoyang ở Bắc Kinh ủng hộ thay đổi này. Theo ông Tong, thay đổi này của nhà chức trách y tế Hồ Bắc phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia, trong đó bao gồm chẩn đoán lâm sàng, chụp CT phổi và một số xét nghiệm khác.
“Khi các bác sĩ tiến hành chẩn đoán viêm phổi, chỉ có 20%-30% là được xác định thông qua xét nghiệm, số 70%-80% còn lại dựa vào chẩn đoán lâm sàng. Từ quan điểm của một bác sĩ, tôi thấy chuyện cho phép các ca chẩn đoán lâm sàng (gộp vào với các ca chẩn đoán qua xét nghiệm) giúp mang lại một công cụ nữa trong đối phó với dịch bệnh” - chuyên gia Tong Zhaohui nói trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.
Thiết bị y tế chuẩn bị được mang đi phân phối chống dịch. Ảnh: THX
TS Ho Pak-leung, một chuyên gia y tế tại ĐH Hong Kong đánh giá tích cực thay đổi trong tiêu chuẩn chẩn đoán ở Hồ Bắc. Theo ông, với các tiêu chuẩn chẩn đoán trước đây, nhiều người bệnh không được xét nghiệm và phát hiện kịp thời, có thể có nhiều bệnh nhân tử vong trước khi các bác sĩ có điều kiện xét nghiệm để xác định chính xác bệnh.
Có lợi cho cả bệnh nhân và cộng đồng
Nhà nghiên cứu bệnh dịch Zeng Guang tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cũng ủng hộ việc thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán. Ông khẳng định có nhiều bệnh nhân dù xét nghiệm nhưng chậm cho ra kết quả dương tính với COVID-19.
Sẽ nguy hiểm cho cộng đồng nếu người nhiễm không được cách ly điều trị. Ảnh: SCMP
Có một số bản tin trước đây cho thấy bác sĩ chỉ có thể xác định một số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau cả 3-4 lần xét nghiệm, dù các bệnh nhân này có đủ các triệu chứng lâm sàng của một người nhiễm COVID-19.
Vì không thể khẳng định những người này bị nhiễm COVID-19, các bệnh nhân này đã không thể nhập viện điều trị, đồng nghĩa họ có nguy cơ là một nguồn lây nhiễm virus trong cộng đồng, theo nhà nghiên cứu bệnh dịch Zeng.
Giờ với việc Hồ Bắc thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán, các bác sĩ có thể cho các bệnh nhân dạng này nhập viện điều trị cách ly. Điều này vừa có lợi cho bệnh nhân và cho cả cộng đồng, có thể chặn được lỗ hổng lây nhiễm.