Đây chính là mục đích của việc quản lý xã hội theo hộ khẩu trong Nghị định 104-CP năm 1964 khi hộ khẩu được áp dụng chính thức.
Các lợi ích thiết yếu như được phân phối thực phẩm, được đăng ký danh sách chờ mua xe đạp, phân phối nhà của Nhà nước, nghỉ ngơi… đều phụ thuộc và được quyết định bởi… hộ khẩu. Một mục đích khác của hộ khẩu là hạn chế di dân từ nông thôn ra thành thị nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp được ổn định và nạn thất nghiệp tại thành thị không xảy ra. Như vậy, hộ khẩu, ở một góc độ nào đó, rất thuận tiện cho việc Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý xã hội.
Từ đó đến nay, hộ khẩu, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM trở thành niềm ao ước của không ít người. Đất nước phát triển hơn, đời sống văn minh và giàu có hơn nhưng hộ khẩu lại đang kìm hãm những công dân chân chính tiếp cận và thụ hưởng sự giàu có, văn minh mà chính họ mang lại cho đất nước.
Người không có hộ khẩu ở các TP lớn, dù được coi là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở đó nhưng những nỗi truân chuyên họ gặp phải lại ít được thấu hiểu. Họ phải dùng điện, nước với giá rất cao. Nếu muốn dùng giá như người có hộ khẩu, có khi phải luồn lách.
Con cái họ không thể học trường công, nếu muốn học cũng lại phải phong bao, phong bì. Họ không thể trở thành công chức nhà nước, trong khi nhiều người, với khả năng, kiến thức và tâm huyết, thừa tiêu chuẩn trở thành “công bộc của dân”. Khi thực hiện các thủ tục hành chính, người không có hộ khẩu ở các đô thị phải về nơi thường trú để xin xác nhận.
Tốn kém chi phí đã đành, họ còn phải nghỉ làm nhiều ngày để thực hiện cho xong một thủ tục hành chính vốn dĩ khá đơn giản. Để có được hộ khẩu tại những TP lớn, nhiều người đã không ngần ngại đưa “chi phí ngoài luồng” để thay đổi tình trạng hộ khẩu của mình.
Có quan điểm cho rằng: Người nhập cư gây ra những bất ổn và chi phí xã hội cao tại các đô thị nhưng như nghiên cứu “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam” chỉ ra: Những chi phí xã hội và sự bất ổn của những người không có hộ khẩu không đáng là bao so với những gì họ đóng góp. Có chăng đó là một chút thuận lợi trong quản lý dân số và trật tự xã hội. Nhưng như đã phân tích: Công dân Việt Nam sẽ vì hộ khẩu mà tiếp tục chịu nhiều phiền toái trong việc được đảm bảo các quyền căn bản của mình.
“Thóc ở đâu, bồ câu ở đó”. Hiến pháp 2013 đã ghi nhận: Công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú trong nước và việc thực hiện quyền này do luật định.
Đã đến lúc vấn đề hộ khẩu lại cần được đặt ra một cách nghiêm túc và vì dân nhất.