Gọi là đua trực tuyến, đua ảo nhưng các tay đua tham dự đều là thật. Họ là những tay đua chuẩn bị cho giải xe đạp Cúp Truyền hình nhưng năm nay chưa thể thi đấu vì dịch bệnh hoành hành. Họ cũng lên yên, cũng đạp xe dự cuộc đua chính thức khởi tranh vào lúc 9 giờ 30 ngày 24-4.
Cuộc đua với tên gọi “Niềm tin chiến thắng” có sự tham dự của những tay đua mạnh của các CLB như Mega Market TP.HCM, Lộc Trời An Giang, Dược Domesco Đồng Tháp, Bikelife Đồng Nai và Quân khu 7 tham gia tranh tài.
“Niềm tin chiến thắng” là giải đấu thực tế ảo Cúp Truyền hình HTV, bao gồm sáu chặng thi đấu (lộ trình khoảng 50 km chặng) hội tụ đầy đủ các cung đường leo; đổ đèo, dốc, đường trường hệt như ngoài thực địa.
Đua ảo nhưng lên yên thật và đạp thật
Theo diễn giải của ban tổ chức (BTC), Trưởng ban Thể thao HTV - ông Nguyễn Đình Khôi cho biết: “Đua thực tế ảo khác với đời thực là VĐV các đội không cần tập trung tại một địa điểm nào đó. Việc này tránh được những nguy cơ có thể lây nhiễm dịch COVID-19. Thay vào đó, các đội đua sẽ kết nối với BTC giải qua Internet, cùng tranh tài thông qua một phần mềm giả lập hiện trường đua do chính BTC quy định”.
Để thực hiện được việc này, mỗi tay đua được trang bị một màn hình máy tính, xe đạp, roller điện tử, giá nâng bánh trước (giúp VĐV có cảm giác như đang leo dốc hoặc đổ đèo)… Tất cả thiết bị được đồng bộ thông qua kết nối bluetooth. Theo đó, mọi thông số của VĐV như tốc độ, chiến thuật… đều được roller điện tử ghi nhận và mô phỏng trên màn hình thông qua phần mềm quản lý giả lập ZWIFT.
Chia sẻ về cách vận hành của đua thực tế ảo, tay đua chuyên về nước rút đồng thời là đương kim áo xanh Cúp Truyền hình 2019 Lê Nguyệt Minh chia sẻ: “Đua online khác hoàn toàn với ngoài thực tế. Nếu ngoài đời thực, VĐV có thể ngừng đạp để lấy sức qua việc nương theo sức gió và lực hút của đồng đội để di chuyển, gọi nôm na là núp gió thì điều đó không có trong thực tế ảo. Trong thực tế ảo, bạn ngừng đạp thì xe sẽ ngừng di chuyển. Vì thế mà bắt buộc VĐV phải hoạt động liên tục. Yếu tố này cũng chính là lợi thế dành cho các tay đua chuyên chạy cá nhân tính giờ hơn là những người thiên về nước rút như tôi”.
Ngoài ra, những hạn chế trong đua thực tế ảo được Lê Nguyệt Minh nhắc đến như tận dụng lực kéo của đồng đội, lắc xe, tạo lực, thời điểm tung nước rút, kỹ thuật “đẩy” xe qua vạch đích… ngoài đời thực đều không thể áp dụng trong đua xe đạp thực tế ảo.
Các cua rơ đua thực tế ảo qua phần mềm kết nối với các bộ phận làm lực đạp thi y như thật. Ảnh: CMQ
Các cua rơ đang nỗ lực tập luyện để dành giải thưởng cao trong cuộc đua trực tuyến lần đầu được tổ chức. Ảnh: CMQ
Ban tổ chức đầu tư tốt nhất để tránh gian lận
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Khôi khẳng định: “Có rất nhiều cách có thể gian lận được trong đua thực tế ảo. Từ cách set thông số roller, quản lý account đến trang thiết bị điện tử… đều có thể can thiệp vào kết quả chung cuộc. Để tránh việc này, BTC sẽ cử người đến hiện trường của các đội, làm công việc ghi hình kiêm luôn trọng tài giám sát. Tất cả thiết bị như màn hình, phần mềm, account, roller… đều do BTC cung cấp. Các CLB chỉ cử VĐV và xe đạp để thi đấu”.
Vấn đề HTV sẽ chuyển tải cuộc đua như thế nào trên truyền hình hiện được rất nhiều fan hâm mộ quan tâm. Giải thích về việc này, ông Khôi cho biết thêm: “Ngoài đội ngũ ghi hình tại năm đầu cầu của các CLB dự giải, chúng tôi còn nhờ đơn vị quản lý phần mềm ZWITF đưa hiện trường thật vào chặng đua cuối diễn ra ngày 29-4. Thay vì các tay đua về đích tại TP.HCM trên phần mềm giả lập, lộ trình thực tế sẽ được đưa vào cuộc đua ảo giúp người xem có cảm giác như đang theo dõi chặng cuối (Bảo Lộc - TP.HCM) theo truyền thống của Cúp Truyền hình ngoài đời thật”.
Theo lộ trình sáu chặng thi đấu của “Niềm tin chiến thắng”, các tay đua sẽ chinh phục hai chặng đèo và bốn chặng đường bằng. Được biết giải thưởng cho tay đua giành chức vô địch (áo vàng) là 10 triệu đồng, CLB đoạt chức vô địch đồng đội nhận phần thưởng 15 triệu đồng.
Một bước đột phá rất mới mẻ của HTV nói riêng và xe đạp Việt Nam nói chung. Cuộc đua “Niềm tin chiến thắng” vừa tạo điều kiện cho các tay đua bớt nhớ nghề, vừa tham dự thể thao trong mùa dịch mà vẫn thực hiện được những biện pháp cần thiết trong phòng tránh dịch bệnh COVID-19.