Hoãn phiên tòa vụ nữ thủ quỹ kêu oan vì nhiều luật sư không được tòa triệu tập

(PLO)- Theo bị cáo, có 22 luật sư đăng ký bào chữa cho bị cáo từ cấp sơ thẩm nhưng tòa cấp phúc thẩm chỉ triệu tập 7 luật sư là không đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-7, TAND tỉnh Tiền Giang đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối bị cáo Trần Thị Tuyết (sinh năm 1984, ngụ xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa do nhiều luật sư có đăng ký bào chữa cho bị cáo nhưng không nhận được giấy triệu tập của tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào sáng 14-8.

Vụ án đã kéo dài hơn 10 năm. Trải qua nhiều cấp tòa, bị cáo Tuyết liên tục kêu oan. Đáng chú ý trong những lần xét xử trước đây, 60 luật sư đã đăng ký tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo Tuyết.

Tuyết đã được tại ngoại từ ngày 21-1-2020 sau gần 6 năm bị tạm giam.

Hoãn phiên tòa vụ nữ thủ quỹ kêu oan vì nhiều luật sư không được triệu tập
Bị cáo Trần Thị Tuyết tại phiên tòa phúc thẩm sáng 25-7. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, trong phần thủ tục, bị cáo Tuyết đề nghị hoãn phiên tòa vì không có đủ 22 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo do tòa chỉ triệu tập 7 luật sư (có mặt 5 luật sư), các luật sư còn lại không được triệu tập.

Riêng có 1 luật sư đã từng tham gia bào chữa cho bị cáo Tuyết qua nhiều cấp tòa từ năm 2018 đến nay có đơn khiếu nại việc Quyết định đưa vụ án xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang không có tên luật sư này tham gia phiên tòa.

Đại diện VKS nhận thấy để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, đảm bảo vụ án được xét xử khách quan, cần thiết phải có đủ luật sư bào chữa theo yêu cầu của bị cáo nên đề nghị hoãn phiên tòa.

HĐXX cho biết do nhận thấy phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Mỹ Tho trước đây có 22 luật sư đăng ký bào chữa cho bị cáo Tuyết nhưng chỉ 8 luật sư có mặt; do đó tòa phúc thẩm chỉ triệu tập các luật sư có mặt như tại phiên sơ thẩm.

Theo HĐXX, để đảm bảo quyền lợi của mình, bị cáo Tuyết cần chủ động liên hệ với các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và thông báo cho tòa biết để tòa triệu tập ở phiên xử lần sau.

Nu-thu-quy-Tran-Thi-Tuyet-keu-oan (2).JPG
5 luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyết có mặt tại phiên tòa phúc thẩm sáng 25-7. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trước đó, từ tháng 8-2015 đến tháng 4-2018, vụ án đã được TAND tỉnh Tiền Giang 2 lần xét xử sơ thẩm. Cả hai lần xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đều tuyên phạt bị cáo Tuyết 12 năm tù; buộc bồi thường hơn 732 triệu đồng cho Công ty Bảo Định.

Tuyết kháng cáo kêu oan, cho rằng bị cáo không chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo Định. Cụ thể, Tuyết trước khi làm đơn nghỉ việc, từ tháng 6-2009 đến 11-4-2013, Tuyết phải trả các khoản vay khi chuyển đổi từ Công ty Thiên Long sang Công ty Bảo Định do công ty hoạt động không hiệu quả.

Gần đến kỳ lương nhưng công ty không đủ trả tiền lương cho nhân viên, Tuyết thực hiện việc vay tiền của các thành viên công ty và trả nợ vay của công ty nhưng không đưa vào sổ sách mà Tuyết tự nhớ và trả tiền cho các thành viên. Theo Tuyết, việc vay này, có chỉ đạo bằng lời nói của Hội đồng thành viên công ty.

Nu-thu-quy-Tran-Thi-Tuyet-keu-oan (3).JPG
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào sáng 25-7. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Hai lần xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đều tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang với lý do chưa đủ căn cứ buộc tội bị cáo; nhiều tình tiết chưa được làm rõ, quá trình xét xử sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng...

Quá trình điều tra lại, VKSND tỉnh Tiền Giang chỉ đủ căn cứ truy tố Tuyết chiếm đoạt của Công ty Bảo Định hơn 442 triệu đồng gồm: chênh lệch thu- chi hơn 426 triệu đồng và số tiền bàn giao âm hơn 15,5 triệu đồng.

Ngày 8-3-2024, xét xử sơ thẩm lần 3, TAND TP Mỹ Tho tuyên phạt Tuyết 5 năm 8 tháng tù; buộc trả lại cho Công ty Bảo Định hơn 442 triệu đồng bị cáo đã chiếm đoạt.

Không đồng ý phán quyết của tòa sơ thẩm, Tuyết tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Theo hồ sơ, Tuyết làm thủ quỹ cho Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Vệ sĩ Thiên Long từ tháng 6-2007. Năm 2008, Công ty Thiên Long chuyển đổi thành Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ, Vệ sĩ Bảo Định, Tuyết tiếp tục làm thủ quỹ. Trong quá trình hoạt động, công ty nhiều lần thay đổi giám đốc và kế toán.

Đến ngày 1-7-2010 khi bà Vương Thị Mỹ Huệ làm giám đốc công ty đã chỉ đạo Tuyết cùng kế toán lập và quản lý 2 hệ thống sổ theo dõi quỹ tiền mặt: Sổ 01 gồm các hoạt động có hóa đơn, chứng từ và sổ 02 gồm các hoạt động không có hóa đơn, chứng từ.

Ngày 30-4-2012, bà Huệ xin nghỉ việc và bàn giao nhiệm vụ giám đốc lại cho bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai từ ngày 1-5-2012.

Đến ngày 11-4-2013, Tuyết xin nghỉ việc, Công ty đối chiếu chứng từ, sổ sách phát hiện bị thất thoát tiền mặt. Các giám đốc công ty cho rằng tồn quỹ tiền mặt từ ngày 1-5-2012 đến ngày 11-4-2013 Tuyết phải bàn giao trên sổ quỹ số 01 là hơn 716 triệu đồng nhưng Tuyết báo tồn quỹ âm hơn 15 triệu đồng.

Bà Mai đã tố cáo Tuyết. Ngày 23-5-2014, Tuyết bị bắt tạm giam với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 732 triệu đồng của Công ty Bảo Định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm