Hoàn tất tuyển sinh đầu cấp: Tránh tình trạng trúng tuyển ảo

(PLO)- Đến thời điểm này, các quận, huyện, TP Thủ Đức đã hoàn tất tuyển sinh đầu cấp và gấp rút chuẩn bị cho năm học mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm học 2024-2025, công tác tuyển sinh đầu cấp được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên cùng một trục dữ liệu tuyển sinh của TP.

Tuyển sinh đầu cấp được thực hiện thống nhất trên toàn TP theo nguyên tắc phân tuyến theo nơi ở hiện tại của học sinh, có sự hỗ trợ của bản đồ GIS.

Sau bao ngày chờ đợi, con gái chị Tú Anh, quận 12 đã được phân tuyến vào một Trường THCS ở quận Gò Vấp. Gia đình chị ở Gò Vấp nên bé hoàn thành chương trình tiểu học ở quận. Trong quá trình đăng ký tuyển sinh, chị chọn địa phương là nơi đã hoàn thành bậc tiểu học để con tiếp tục được học tại đây do đã quen với môi trường và bạn bè.

tuyển sinh đầu cấp
Phụ huynh đến nộp hồ sơ nhập học vào Trường Mầm non Sóc Nâu, quận Gò Vấp. Ảnh: NTCC

“Sau khi xét tuyển xong đợt 1, qua đợt 2, con gái tôi đã được phân tuyến tại Gò Vấp. Thay vì phải xin nghỉ làm, chạy tới chạy lui nộp hồ sơ với hình thức tuyển sinh trực tuyến, tôi chỉ cần ngồi tại nhà vẫn có thể đăng ký học cho con ” - chị Anh nói.

Linh động giải quyết vì quyền lợi của học sinh

Mới đây, chia sẻ tại buổi làm việc với Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trường phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết công tác tuyển sinh tại địa phương diễn ra khá thuận lợi do phòng GD&ĐT có triển khai đến các trường trên địa bàn quận tổ chức rà soát cập nhật thông tin nơi ở hiện tại của trẻ.

Bên cạnh đó, phòng phối hợp tốt với chính quyền địa phương thông báo, công khai kế hoạch đến người dân.

Do đó đối với mầm non, tính đến ngày 1-8-2024, toàn quận đã huy động được 6.153/6.472, tỉ lệ 95,1% trẻ sinh năm 2019 ra lớp theo kế hoạch.

Đối với tiểu học, từ 1-7 đến 17 giờ ngày 8-7, cha mẹ học sinh đến trường được phân tuyến để làm thủ tục nhập học và xác nhận kết quả nộp hồ sơ chiếm 86,97%. Trong khi đó đối với bậc THCS, phụ huynh đến làm thủ tục và xác nhận kết quả nộp hồ sơ chiếm 92,66%.

Từ ngày 19-7, UBND quận chỉ đạo phòng GD&ĐT tiếp tục bố trí chỗ học cho 550 trẻ có nơi ở hiện tại quận Gò Vấp chưa có chỗ học hoặc có điều chỉnh về nơi ở hiện tại vào lớp 1; bố trí chỗ học cho 650 học sinh đã học tại quận Gò Vấp, không có nơi ở hiện tại tại quận Gò Vấp nhưng có nguyện vọng học lớp 6 tại quận Gò Vấp, hoặc học sinh hoàn thành chương trình tiểu học từ các tỉnh TP khác chuyển về Gò Vấp sinh sống.

tuyen-sinh-dau-cap-1.jpg
Đến thời điểm này, các quận/huyện và TP Thủ Đức cơ bản hoàn thành xong công tác tuyển sinh đầu cấp. Trong ảnh, phụ huynh nộp hồ sơ nhập học vào Trường Mầm non Sóc Nâu, quận Gò Vấp. Ảnh: NTCC

Theo ông Thanh đánh giá, tính đến thời điểm này, quận Gò Vấp vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho con em trong độ tuổi đến trường. Qua tuần, phòng GD&ĐT sẽ xem xét số lượng học sinh chưa ra lớp, chưa nhập học, gửi về từng địa phương để rà soát, đảm bảo các em đều có chỗ học.

Phấn khởi thông tin về kết quả tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn năm học 2024-2025, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho biết mọi việc đều ổn định và khá thuận lợi.

Trong quá trình tuyển sinh, phòng GD&ĐT linh động giải quyết đối với các trường hợp phụ huynh có nhu cầu muốn đăng ký cho con học gần chỗ làm để tiện đưa đón.

“Quận 8 đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi trên ngày theo quy định, đảm bảo học sinh cư trú trên địa bàn quận có chỗ học” - ông Dân nói.

Việc tuyển sinh đầu cấp tại quận cũng diễn ra 2 đợt. Trong đợt 2, nếu những phụ huynh đã hoàn thành đăng ký và xác nhận nhập học ở đợt 1 vì lý do nào đó muốn thay đổi, phòng vẫn xem xét và trong khả năng có thể vẫn đáp ứng.

“Nói chung quan điểm của chúng tôi hỗ trợ tối đa cho người dân” - ông Dân bày tỏ.

Là địa bàn có dân số tăng cơ học cao nên quận 12 luôn “nóng” về tuyển sinh, tuy nhiên đến nay, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết công tác tuyển sinh cơ bản đã xong. Trong thời gian này, những trường hợp gặp trục trặc về dữ liệu hay mới chuyển đến sẽ tiếp tục được phòng xem xét và bố trí chỗ học.

Ông Hùng cho biết với đặc thù của địa bàn không thể tuyển sinh dựa vào bản đồ GIS hoàn toàn. Số lượng học sinh đông trong khi đó một số khu vực chưa có đủ trường lớp. Vì thế, phòng sẽ xem xét để phân bố chỗ học một cách hợp lý nhất dựa trên tình hình thực tế.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6, cho biết tuyển sinh đầu cấp tại quận đã xong, các trường đang chuẩn bị để chào đón cho năm học mới. Tuy nhiên, từ nay đến ngày khai giảng, nếu phụ huynh đăng ký tạm trú mới tại quận vẫn linh động giải quyết để đảm bảo quyền được đến trường của các em. Do quận không bị áp lực về trường lớp giống như một số địa phương khác.

Tránh được tình trạng trúng tuyển ảo

Đánh giá về việc tuyển sinh trên một trục dữ liệu thống nhất, ông Dân cho biết đã phần nào hạn chế được số lượng học sinh ảo.

Những năm trước, phụ huynh có thể đăng ký học ở nhiều nơi, phòng GD&ĐT quận/huyện rất khó quản lý. Điều này, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh dù đã được bố trí và sắp xếp chỗ học nhưng lại nhập học chỗ học, dẫn đến số lượng học sinh ảo.

dang-ky-tuyen-sinh-dau-cap-1.jpg
Năm nay, công tác tuyển sinh đầu cấp được thực hiện trực tuyến 100% và thống nhất trên một trục dữ liệu, chính điều này đã tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Còn năm nay, khi đã thống nhất trên trục dữ liệu, phụ huynh học sinh được đăng ký tuyển sinh vào phòng GD&ĐT theo thông tin như đăng ký về phòng GD&ĐT theo nơi ở hiện nay (Căn cứ theo dữ liệu nơi ở hiện nay tại mục thông tin cư trú) hoặc đăng ký ưu tiên đợt 2 theo hình thức hoàn thành chương trình mầm non/tiểu học trên địa bàn (Căn cứ theo địa chỉ trường cuối cấp của học sinh). Chính điều này, giúp các phòng GD&ĐT nắm rõ được số lượng học sinh đăng ký để phân tuyến phù hợp.

Ông Dân cũng nhìn nhận trong đợt tuyển sinh đầu cấp vừa qua, nhiều trường “hot” khá áp lực vì nhu cầu phụ huynh cao trong khi chỉ tiêu có hạn. Do đó, trong những năm tới, ngoài tiêu chí về nơi ở hiện tại, phòng GD&ĐT sẽ bổ sung thêm một số tiêu chí khác. Nếu học sinh đáp ứng mới có thể đăng ký nhập học tại trường.

Một trong những lý do được nhiều quận/huyện đưa ra đối với việc tuyển sinh đầu cấp trực tuyến thuận lợi chính là nhờ vào việc điều tra dân số, cập nhật dữ liệu từ địa phương.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6, cho hay việc phân tuyến theo nơi ở hiện tại muốn làm tốt chỉ có thể phối hợp chặt chẽ với địa phương trong khâu điều tra.

Do đó, phòng GD&ĐT đã liên kết chặt chẽ với bộ phận phổ cập giáo dục của từng địa phương để họ điều tra, thống kê số lượng, từ đó báo cáo số lượng về cho phòng để xây dựng kế hoạch phân tuyến.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Quang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho biết từ tháng 1-2024, phòng đã liên hệ với địa phương để rà soát số liệu học sinh các cấp trên địa bàn để lên kế hoạch phân tuyến. Đến tháng 3-2024, phòng đã nắm hết số liệu của học sinh trên địa bàn. Những trường hợp tạm trú sau tháng 3 sẽ được phòng GD&ĐT gửi công văn tới các phường để thông tin giải quyết sau.

Năm học 2024-2025, dự kiến TP.HCM tăng 24.097 học sinh, trong đó THCS tăng 7.022 học sinh; THPT tăng 16.999 học sinh.

Từ nay đến ngày 5-9, TP sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới với tổng mức đầu tư 1.970 tỉ đồng.

Từ sau ngày 5-9 đến hết tháng 12-2024 sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới với tổng mức đầu tư khoảng 267 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm