Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết cầu bộ hành tuyến metro số 1 (ga Thủ Đức) đã chính thức được kết nối, hoàn thành công tác lắp đặt nhịp dầm cuối cùng. Đây là phạm vi thi công quan trọng, có mật độ phương tiện di chuyển rất lớn, vì vậy việc hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của cầu bộ hành kết nối ga Thủ Đức là cấp thiết.
Theo thiết kế của tuyến metro số 1, dự án có tổng cộng 9 cầu bộ hành, kết nối với các vị trí nhà ga trên cao trục đường Võ Nguyên Giáp.
Do phạm vi thi công trải dài và giao cắt với nhiều hạ tầng ngầm trọng yếu của TP như cấp nước, thoát nước, cây xanh, điện cao thế, hệ thống chiếu sáng, viễn thông, thông tin liên lạc... nên đòi hỏi công tác thỏa thuận, điều chỉnh thiết kế phải phối hợp chặt chẽ và khoa học giữa MAUR, tư vấn, nhà thầu và trên 30 đơn vị quản lý hạ tầng liên quan.
Phần lớn thời gian thi công phải thực hiện vào ban đêm và việc vận chuyển, lắp đặt các thiết bị, kết cấu dầm có kích thước, tải trọng lớn nên gặp nhiều khó khăn.
"Việc hoàn thành sớm cầu bộ hành kết nối với ga Thủ Đức, TP Thủ Đức (gần ngã tư thủ Đức) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn trả lưu thông tại khu vực ngã tư Thủ Đức. Đặc biệt, dự án đã rút ngắn thời gian 45 ngày so với kế hoạch.
Thời gian tới, MAUR sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GTVT TP và các đơn vị liên quan có thông báo chính thức về việc dỡ bỏ các lệnh cấm, hạn chế lưu thông khu vực cầu vượt thép Thủ Đức.
Hiện nay, công tác hoàn thiện kiến trúc cầu bộ hành cũng đang được nhà thầu SCC khẩn trương hoàn thành. Các hạng mục kiến trúc cơ bản như lát gạch sàn, kết cấu khung thép, tấm lợp mái, lan can, cầu thang tại 7/9 nhà ga như Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái và Công Nghệ Cao đã cơ bản hoàn thành.
Đồng thời, các đơn vị phấn đấu tiếp tục thi công hoàn thành 2 cầu bộ hành cuối cùng gồm cầu Thủ Đức và cầu Đại học Quốc Gia trong tháng 10-2024, kịp phục vụ việc tổ chức kiểm tra nghiệm thu PCCC để hoàn thành dự án đưa vào vận hành vào cuối năm 2024.
Cầu bộ hành là một trong những hạng mục thi công cuối cùng của dự án tuyến metro số 1, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận hành khách đến các nhà ga trên cao được an toàn và thuận tiện.
Đồng thời, hướng tiếp cận cầu bộ hành cũng là đường thoát hiểm chính của hành khách khi xảy ra sự cố khẩn cấp (cháy, nổ) tại các nhà ga này. Đây là hạng mục được đặc biệt lưu ý trong quá trình kiểm tra nghiệm thu phòng cháy chữa cháy của các cơ quan chức năng.