Hoãn xử vụ “bị cáo nhận tội, tòa vẫn tuyên trắng án” vì vắng nạn nhân

Theo tòa, do có một vài người bị hại không đến tòa nên HĐXX khó có thể làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 3-2014, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên bị cáo Bằng không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa sau hơn ba năm bị tạm giam. Tại phiên tòa này, bị cáo thừa nhận hành vi lừa đảo và chỉ xin mức án nhẹ.

Theo cáo trạng, từ tháng 7 đến tháng 9-2009, bà Bằng nói với nhiều người đang cần một khoản tiền lớn để kinh doanh bia và đáo hạn ngân hàng. Để vay được tiền, bà Bằng trả lãi suất cao hơn ngân hàng và chỉ vay trong thời gian ngắn, có viết giấy vay nợ. Sau khi vay được tiền, bà Bằng không đầu tư kinh doanh bia, không đáo hạn ngân hàng, không đưa tiền cho ai vay lại. Khi đã huy động được hàng tỉ đồng, bà Bằng bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn rồi ra đầu thú. Công an xác định bà Bằng đã lừa vay 2,5 tỉ đồng của bảy người, chỉ hoàn trả được hơn 330 triệu đồng...

Tại phiên xử sơ thẩm, đại diện VKS nói việc bị cáo không còn khả năng trả nợ vẫn nói dối là kinh doanh bia, đáo hạn ngân hàng và tiếp tục huy động vốn của nhiều người là có ý đồ chiếm đoạt. Từ đó, VKS đề nghị tòa phạt bị cáo 12-14 năm tù.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Đồng Nai lập luận: Khi cho bị cáo vay, những người đưa tiền đều biết rõ mục đích vay của bị cáo và họ chấp nhận cũng như đã được trả lãi nhiều lần. Chỉ đến khi không còn khả năng thanh toán, bị cáo mới tuyên bố vỡ nợ và không bỏ trốn. Trong bảy người bị hại mà VKS xác định bị bà Bằng lừa đảo, chỉ có hai người cho vay lần đầu. Những người còn lại đã cho bà vay trước đó và đã được bị cáo trả lãi và vốn nhiều lần. Một người khai tại tòa trước đó có cho bị cáo vay 200 triệu đồng, có thấy bị cáo mua bán bia. Người khác khai trước đó có cho vay 500 triệu đồng và được bị cáo trả lãi và vốn xong, có thấy bị cáo kinh doanh bia, chất bia sau nhà...

Theo tòa, thực tế bị cáo có tiệm tạp hóa và có buôn bán bia như lời khai của nhiều người bị hại. Bị cáo sử dụng tiền vay và cho vay lại, không phải bị cáo không còn tài sản mà thực tế bị cáo bị người khác chiếm dụng vốn (cân đối bị cáo nợ xấp xỉ 8 tỉ đồng, tương đương ba người nợ bị cáo 7,9 tỉ đồng). Tòa cho rằng không thể tách bảy người bị hại để truy tố bị cáo lừa đảo, vì việc vay mượn diễn ra liên tục, nhiều lần đến khi tuyên bố vỡ nợ. Việc vay mượn này là quan hệ dân sự nên việc truy tố bị cáo của VKS là không có cơ sở. Từ đó, tòa tuyên bị cáo không phạm tội.

Ngay sau đó, VKS có kháng nghị yêu cầu hủy bản án trên, các bị hại cũng đồng loạt kháng cáo. Theo viện, việc truy tố bị cáo là có cơ sở và tại tòa bị cáo lẫn luật sư của bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng khi bị cáo nhận tội thì chưa chắc họ đã có tội. Đôi khi họ cảm thấy có lỗi hoặc họ thiếu hiểu biết pháp luật, cứ ngỡ hành vi của mình phạm tội. Do đó, việc bị cáo có tội hay không là do tòa quyết định thông qua việc xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ chứ không phải cứ bị cáo nhận tội là đương nhiên họ có tội...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm