Theo đó, đại diện VKS đã đề nghị phạt Hoàng Công Lương từ 36-42 tháng tù về tội vô ý làm chết người.
VKS cho rằng BS Phạm Thị Huyền và BS Nguyễn Mạnh Linh chưa được Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cấp chứng chỉ hành nghề chạy thận và chưa đủ điều kiện ra y lệnh độc lập, còn Lương có chứng chỉ hành nghề và có đủ điều kiện ra y lệnh độc lập.
Do vậy, việc ra y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định trong việc chạy thận ngày 29-5-2017, là người ra y lệnh cuối cùng để đơn nguyên thận nhân tạo thực hiện việc lọc máu.
Với trình độ chuyên môn bị cáo được đào tạo, buộc bị cáo phải biết tầm quan trọng của nước RO, biết trước, trong và sau khi lọc máu buộc phải kiểm tra chất lượng nước, kiểm tra hóa chất tồn dư, điều này phù hợp với công văn trả lời của Bộ Y tế.
Với vai trò là một BS điều trị, có quyền ra y lệnh quyết định, đồng thời biết rõ có việc sửa chữa, nhưng bị cáo chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp, người không có trách nhiệm về chất lượng nước, thông báo đã sửa chữa xong. Bị cáo đã chủ quan ký xác nhận ra y lệnh khi chưa có căn cứ đảm bảo an toàn. VKS xác định đây là hành vi nguy hiểm, dẫn đến việc tiến hành lọc máu làm chín người chết.
VKS cũng ghi nhận Lương tích cực tham gia cấp cứu cho nạn nhân khi xảy ra sự cố. Lương được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua trong quá trình công tác; bố đẻ là người có công với Cách mạng nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị từ 4-5 năm tù về tội vô ý làm chết người. Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm, chưa bàn giao hệ thống RO số 2 cho BV. Quá trình thực hiện sửa chữa, Quốc đã để tồn dư hóa chất do bất cẩn.
VKS cũng đề nghị tình tiết giảm nhẹ cho Quốc, bị cáo đã ăn năn, bị cáo đã thành khẩn khai báo, đã tác động gia đình khắc phục hậu quả, được gia đình nạn nhân đề nghị giảm trách nhiệm hình sự.
Trần Văn Sơn bị đề nghị 42-48 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại thời điểm xảy ra sự cố, Sơn đang công tác tại Phòng Vật tư – Thiết bị y tế, được tập huấn tại BV Bạch Mai và được cấp chứng chỉ về quản lý thiết bị y tế.
Thực tế chưa có việc bàn giao giữa Quốc và Sơn để đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, việc bàn giao bằng miệng chỉ là bàn giao quản lý thiết bị cho Phòng Vật tư – Thiết bị y tế.
Sơn khai không biết nội dung Hợp đồng số 315 tuy nhiên Sơn là người ký đề xuất sửa chữa theo nội dung HĐ, có nội dung xét nghiệm AAMI. Sơn đã để điều dưỡng tự ý sử dụng thiết bị mặc dù biết rõ Quốc chưa lấy nước đi xét nghiệm.
Do đó, VKS cho rằng truy cứu Sơn tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người đúng tội.
VKS cũng đề nghị tình tiết giảm nhẹ cho Sơn, bị cáo đã ăn năn, bị cáo đã thành khẩn khai báo, đã tác động gia đình khắc phục hậu quả, được gia đình nạn nhân đề nghị giảm trách nhiệm hình sự.
Trần Văn Thắng bị đề nghị từ 36-42 tháng tù. Bị cáo đã không tham mưu cho bệnh viện quy trình quản lý bảo quán chất lượng hệ thống RO. Thắng không lập biên bản bàn giao quản lý hệ thống RO cho cá nhân quản lý.
Trần Văn Thắng khai nhận đã bàn giao cho ông Hoàng Công Tình, Phó khoa Hồi sức tích cực, quản lý tuy nhiên thực tế ông Tình không được nhận biên bản bàn giao. Hành vi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của bị cáo Thắng dẫn đến việc thời gian dài đơn nguyên thận nhân tạo không quản lý thiết bị đúng quy định. Do đó VKS truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người đúng tội.
Hoàng Đình Khiếu bị đề nghị 36-42 tháng tù. Với trách nhiệm phó giám đốc, bị cáo được phân công trực tiếp quản lý Phòng Vật tư và kiêm nhiệm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Bị cáo phải biết rõ tầm quan trọng của hệ thống RO nhưng đã không tham mưu cho giám đốc bố trí người quản lý thiết bị.
Bị cáo cũng đã thừa nhận bản thân không chỉ đạo gì về thẩm quyền quản lý thiết bị RO tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Bị cáo Khiếu có nhiệm vụ phối hợp với phòng vật tư kiểm tra thiết bị y tế. Khiếu thừa nhận sau khi sửa chữa xong hệ thống RO đều đưa vào sử dụng luôn, không biết hệ thống RO 1 và RO 2 được vận hành như thế nào.
Hoàng Đình Khiếu không trực tiếp kiểm tra dẫn đến một thời gian dài đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng hệ thống ngay sau khi sửa khi chưa bàn giao, chưa xét nghiệm nguồn nước.
Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của Hoàng Đình Khiếu đối với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội.
Ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Trương Quý Dương bị đề nghị 30-36 tháng tù. Bị cáo đã buông lỏng trong điều hành, quản lý trong một thời gian dài, vi phạm quy chế BV. Bị cáo là người ký quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo, nhưng không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, trong khi Bộ Y tế khẳng định khoa lọc máu bắt buộc phải có kỹ sư, kỹ thuật viên để đảm bảo an toàn.
Theo nội dung hợp đồng khai thác đặt máy chạy thận nhân tạo với công ty Thiên Sơn có quy định BV phải bố trí nhân lực để đảm bảo an toàn hệ thống, nhưng ông Dương đã không thực hiện nội dung này.
Ông Dương cũng không giao trách nhiệm cho người quản lý đơn nguyên thận nhân tạo, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm. Hành vi nêu trên dẫn đến trong thời gian dài Đơn nguyên thận nhân tạo không chú trọng đến chất lượng nước RO trong chạy thân.
Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là đã tích cực chỉ đạo cấp cứu cho nạn nhân, có nhân thân tốt, được tặng thưởng nhiều bằng khen, gia đình có công với Cách mạng,…
Đỗ Anh Tuấn bị đề nghị 36-42 tháng tù. VKS cho rằng hợp đồng đặt máy chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã phát sinh trách nhiệm của công ty. Bị cáo là người ký HĐ 315 về việc sửa chữa hệ thống RO 2, nhưng đã không thực hiện cam kết trong HĐ, bỏ mặc Quốc tự sửa chữa hệ thống RO ngày 28-5-2017.
Đỗ Anh Tuấn không triển khai nội dung HĐ 315 cho Quốc biết để thực hiện, sau khi xảy ra sự cố mới ký HĐ 05 với Công ty Trâm Anh.
Công ty Thiên Sơn đã cử Nguyễn Thị Đinh Tiên lên BV đếm số ca chạy thận, các chứng từ đều do bị cáo Tuấn ký duyệt, vì vậy bị cáo phải biết từ trước đến khi xảy ra sự cố bệnh viện chưa bao giờ phải dừng việc chạy thận để xét nghiệm nguồn nước. Do vậy, Đỗ Anh Tuấn nhận biết rõ mối nguy hiểm khi không thực hiện xét nghiệm nước, không nhắc nhở Quốc về việc phải xét nghiệm nguồn nước.
Đỗ Anh Tuấn hoàn toàn có quyền yêu cầu Quốc không bàn giao thiết bị khi chưa xét nghiệm chất lượng nước theo nội dung cam kết, nhưng đã không thực hiện việc này. VKS cho rằng việc truy cứu Đỗ Anh Tuấn tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người đúng tội.
VKS ghi nhận bị cáo có nhân thân tốt, đã chủ động hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân nên đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của ông Hoàng Công Tình.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, Sở Y tế và BVĐK tỉnh Hòa Bình, VKS cho rằng có sự buông lỏng trong quản lý của nhà nước về kỹ thuật chạy thận nhân tạo nhưng không phải hoàn toàn không có quy định để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Chính sự buông lỏng trong quản lý đã dẫn đến sự cố này. VKS đề nghị các bên liên quan tăng cường thanh kiểm tra công tác chạy thận nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa. ẢNH: T.P
Ngoài ra, VKS cho rằng việc xử lý nghiêm minh các bị cáo cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cảnh tỉnh, răn đe.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên công ty CP dược phẩm Thiên Sơn phải liên đới cùng với BV bồi thường cho các gia đình nạn nhân.