Nhiều nguồn tin trong chính phủ Mỹ và các quan chức vũ trụ nước này đã tiết lộ thông tin trên.
Một bản đánh giá tình báo mật của Mỹ được hoàn tất hồi năm ngoái đã phân tích các hoạt động gia tăng của Trung Quốc trong vũ trụ và chỉ ra điểm yếu ngày càng lớn của các vệ tinh Mỹ, vốn chuyên cung cấp các thông tin quân sự, cảnh báo về các vụ phóng tên lửa của đối phương và cung cấp toạ độ mục tiêu chính xác.
“Đó là một tài liệu nghiêm túc và rất đáng tin”, một cựu quan chức chính phủ Mỹ thông thạo về các chương trình vệ tinh an ninh quốc gia cho hay.
Báo cáo tình báo đã nêu bật những dấu hiệu nguy hiểm về khả năng của Bắc Kinh nhằm làm gián đoạn các vệ tinh trên tầng quỹ đạo cao hơn của Mỹ và điều này có thể khến các vệ tinh nhạy cảm nhất của Mỹ bị nguy hiểm, theo các nguồn tin giấu tên. Trung Quốc đã tiến hành vài vụ thử nghiệm chống vệ tinh ở các tầng quỹ đạo thấp hơn trong những năm gần đây.
Do những lo ngại ngày càng gia tăng, Washington đang theo sát các hoạt động của Trung Quốc có thể làm gián đoạn vệ tinh Mỹ. Washington cũng đang đề nghị Bắc Kinh không lặp lại một vụ thử nghiệm như hồi tháng 1/2007, vốn tạo ra một khối lượng lớn các mảnh vỡ vũ trụ, theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ.
Chi tiết về các động thái mới nhất của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại không được tiết lộ. Nhưng các quan chức Mỹ cho rằng các hoạt động chống vệ tinh của Trung Quốc là một phần của chiến dịch hiện đại hoá quân đội lớn, trong đó Bắc Kinh đã thử nghiệm 2 chiến đấu cơ tàng hình, tăng cường các cuộc tấn công trên mạng nhằm vào các mạng máy tính nước ngoài và phóng nhiều hơn Mỹ các vệ tinh quân sự và thương mại trong năm 2012. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn bị thụt lùi so với Mỹ trong hầu hết các lĩnh vực quân sự.
“Điều mà chúng tôi nhận thấy là một tâm lý ngày càng lo ngại tại Mỹ rằng Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm tàng. Bắc Kinh sở hữu công nghệ có thể trở thành mối đe doạ nếu muốn”, Jonathan McDowell, từ Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, nhận định.
“Khi Trung Quốc trở thành một cường quốc vũ trụ, và do nước này có yếu tố vũ trụ quan trọng trong chương trình không gian, chắc chắn Washington sẽ ngày lo ngại về các mối đe doạ của Trung Quốc đối với các hệ thông vệ tinh giá trị nhất của Mỹ, dù Bắc Kinh có thực sự muốn triển khai các hệ thống tấn công khu vực hay không”, ông McDowell nói thêm.
Cách đây 6 năm, Trung Quốc từng phá huỷ một trong những vệ tinh thời tiết hết hạn sử dụng trong tầng quỹ đạo thấp, tạo ra hơn 10.000 mảnh vỡ, gây ra mối đe doạ đối với các vệ tinh khác. Một vụ thử nghiệm nhỏ hơn được tiến hành hồi năm 2010.
Về phần mình, Mỹ cũng tiếp tục thử nghiệm các khả năng chống vệ tinh. Hồi tháng 2/2008, một tên lửa được bắn đi từ tàu hải quân Mỹ ở bắc Thái Bình Dương đã phá huỷ một vệ tinh hết hạn sử dụng trong quỹ đạo.
Chính phủ Mỹ cho hay nhiên liệu độc hại của vệ tinh có thể gây ra mối nguy hiểm khi trở lại bầu khí quyển của trái đất. Những người hoài nghi thì nói vụ thử là một thông điệp tới Trung Quốc.
Bruce MacDonald, một cựu quan chức Nhà Trắng và hiện là quan chức cấp cao thuộc Viện hoà bình Mỹ, nói bất kỳ một vụ thử nghiệm chống vệ tinh nào nữa của Trung Quốc cũng gây lo ngại, đặc biệt nếu nó xảy ra trong quỹ đạo cao.
Mỹ hiện đang quản lý một nhóm các vệ tinh thuộc Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong quỹ đạo tầm trung của trái đất, cách mặt đất khoảng 17.700km, trong khi các vệ tinh cảnh báo tên lửa sớm và vệ tinh liên lạc quân sự nằm ở quỹ đạo địa tĩnh, cách mặt đất khoảng 35.400km.
Brian Weeden, cựu chuyên gia về tên lửa và không gian của không quân Mỹ và hiện là cố vấn kỹ thuật cho Quỹ An ninh thế giới, nhận định rằng bất kỳ vụ thử nghiệm chống vệ tinh nào của Trung Quốc ở các quỹ đạo cao như vậy cũng gây nguy hiểm cho các vệ tinh Mỹ.
Theo An Bình Tổng hợp (Dân trí)