Học Bác Hồ đức dung dị, dám hy sinh

Trong ngày 14-5, các hoạt động kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 _ 19-5-2019) và 50 năm thực hiện di chúc của Người đã diễn ra ở TP.HCM.

Lá thư thiêng và người họa sĩ của mẹ

Cụ thể, chiều 14-5, Thành ủy TP.HCM đã biểu dương 153 tập thể và 239 cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019.

Tại lễ biểu dương, thay vì phải nghe những lời báo công, thành tích dông dài, các đại biểu được nghe kể những câu chuyện cảm động, súc tích của các họa sĩ, nghệ sĩ từng được Bác nâng kiến thức, đỡ tâm hồn.

Họa sĩ Đặng Ái Việt, người suốt 10 năm nay đã vẽ được 2.010 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, kể mình chọn bức thư Bác Hồ gửi các họa sĩ Việt Nam để gối đầu nằm trong suốt 10 năm qua. “Bức thư Bác Hồ gửi vào tháng 10-1951, chỉ có 276 chữ rất mộc mạc, súc tích. Tôi thuộc lòng từng chữ của bức thư này. Trong thư Bác dặn nghệ sĩ phải là một chiến sĩ. Tôi đã chọn cho mình một con đường và tự nguyện xem mình là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, đi đến đâu tôi cũng đem theo bức thư. Nó không chỉ là hành trang mà còn là một điều thiêng liêng để nhắc nhở mình là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật như lời Bác” - họa sĩ Đặng Ái Việt nói.

Bức chân dung thứ 2.000 mà bà Việt vẽ là về mẹ Trịnh Thị Tỏ, 97 tuổi, quê An Giang. Nhưng bức chân dung mới nhất và họa sĩ Đặng Ái Việt có nhiều cảm xúc nhất là vẽ về mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khởi, 107 tuổi, có hai người con là liệt sĩ hy sinh cùng năm 1969. Nhưng đến giờ này, một trong số hài cốt của hai người con của mẹ Khởi đã thất lạc. “Mẹ Khởi đau đáu không biết làm sao tìm lại được hài cốt của con mình. Khi vẽ xong chân dung mẹ, tôi và mẹ cùng ôm nhau trào nước mắt. Lúc đó, tôi nhớ tới bức thư thiêng của Bác và muốn thưa: “Bác ơi, con đã làm được người chiến sĩ như Bác dặn, vẽ được mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã sinh ra anh em đồng đội của mình”” - bà Việt kể lại.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho tập thể và cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019. Ảnh: TÁ LÂM

Học Bác đức dung dị, tình yêu quê tha thiết

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, từng có nhiều tác phẩm về những anh hùng lịch sử, trong đó có tác phẩm cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” tái hiện hình ảnh người thanh niên yêu nước Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước. “Làm nhiều tác phẩm nhưng đến tác phẩm về Bác Hồ, lúc đầu tôi và cả êkíp vừa tâm đắc vừa áp lực. Nhưng sau càng tìm hiểu, càng làm phim về Bác thì tôi thấy rõ là Bác rất dung dị nhưng sâu sắc vô cùng. Học Bác, hãy làm một người yêu nước dung dị, biết yêu quê hương đất nước, thương cha nhớ mẹ và có trách nhiệm với bản thân mình, sống tốt” - ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, vai trò của người nghệ sĩ hôm nay là rèn đức luyện tài, làm tốt nhất từng vai diễn, vở diễn của mình bằng tất cả sự cố gắng, tài năng. “Càng nâng niu, tìm ra cái mới, tính thời đại để phục vụ khán giả” - ông Đạt nói.

Những cá nhân được tuyên dương lần này còn có BS Trần Đông A, Thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM)... Với các ông, trước mỗi ca mổ, mỗi trận chiến với tội phạm đều nhớ đến nhân cách của Bác khi đứng trước cơn sóng gió của đất nước, dân tộc: Luôn trầm tĩnh, tỉnh táo và khoa học.

Làm nhiều hơn để xứng thành phố mang tên Bác

Phát biểu tại buổi lễ chiều 14-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhắc lại quá trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đến gia đình của Bác, ngày sinh nhật Bác 19-5 và đến bản di chúc mà Người để lại... để thấy được tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.

Theo ông Nhân, những tấm gương điển hình được biểu dương hôm nay như tập thể ngành công an, bệnh viện, trường học, cựu chiến binh, hoạt động của đoàn thanh niên, tăng ni..., mỗi tập thể có một góc nhìn nhưng đều chọn trong cuộc đời của Bác những phần tư tưởng, đạo đức, phong cách để học tập và làm theo, từ đó công việc được hiệu quả hơn. “Chính những tấm gương này hằng ngày, hằng tháng là sự nhắc nhở chúng ta về tình cảm, trách nhiệm của chúng ta đối với Bác” - ông Nhân nói và cho biết dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đưa TP mang tên Bác phát triển.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm nay là năm TP tìm kiếm sáng kiến đột phá phát triển kinh tế-xã hội. “Chúng ta chậm là người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng thì cả nước cũng bị ảnh hưởng” - ông Nhân nói và kêu gọi các cấp, các ngành lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo công việc của mình, làm chỗ mình tự hào.

Theo ông Nhân, người đảng viên bây giờ có sứ mệnh lịch sử vừa lãnh đạo vừa phải là một tấm gương. “Người đảng viên cần phải lao động hiệu quả hơn và dám hy sinh hơn để cho đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ và để cho TP phát triển” - ông Nhân nói đó chính là tinh thần của Bác.

Nói với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của TP.HCM, ông Nhân nói: “Nếu không hài lòng với công việc thì hãy nghĩ tới Bác, không gì khó bằng những thách thức mà Bác đã vượt qua, không gì khó bằng những thách thức mà dân tộc chúng ta đã vượt qua. Bây giờ chúng ta có điều kiện, hãy làm tốt hơn để TP mang tên Bác xứng đáng với tình cảm và sự nghiệp của Bác đã để lại cho chúng ta”.

Tự soi, tự sửa mình mỗi ngày

Sáng cùng ngày, lễ kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890  19-5-2019) và 50 năm thực hiện di chúc của Người đã được Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM tổ chức.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Công Khanh, Bí thư Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP, nói để xứng đáng với Bác hơn nữa, mỗi cá nhân phải thường xuyên tự soi rọi để nhận thức một cách đầy đủ trách nhiệm của mình với mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Học Bác Hồ đức dung dị, dám hy sinh ảnh 2

Kể lại những kỷ niệm của mình về Bác Hồ, NSƯT Ca Lê Hồng (ảnh) nói: “Tôi luôn khắc sâu hình ảnh Bác trong những lần tôi được vinh hạnh biểu diễn phục vụ, nghe Bác nói chuyện dặn dò, được gặp gỡ, trò chuyện tại nhà sàn nơi Bác ở”.

Là người đi trước, NSƯT Ca Lê Hồng đã có những lời nhắn nhủ chân tình đến các thế hệ trẻ hôm nay: “Hãy học tập Bác bắt đầu từ việc nhỏ, từ hành động ứng xử văn hóa, văn minh, đặc biệt chú ý đạo đức, lối sống”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm