Học tiếng Anh từ tuổi mầm non

Nhiều sinh viên tại một số nước có nền kinh tế đang phát triển và gần gũi với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Philippines cho biết tại đất nước của họ, tiếng Anh được giảng dạy cho học sinh ngay từ khi bắt đầu đi học. Trao đổi với PV, các sinh viên này nêu: “Đất nước của chúng tôi cũng có những chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Anh văn, đảm bảo nhân lực chất lượng cao trong dài hạn”.

Học tiếng Anh từ… mẫu giáo

Rất nhiều nước có tiếng mẹ đẻ khác tiếng Anh đã áp dụng chính sách “dạy tiếng Anh từ lớp mẫu giáo”. Ở độ tuổi này, việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh vừa là sự lạ lẫm, vừa là sự thú vị nên khả năng tiếp thu của trẻ khá cao. Chưa kể ở độ tuổi này, các em không bị ảnh hưởng nhiều bởi các môn học khác, cũng như chưa bị tác động bởi nhiều dòng tiếng Anh như tiếng Anh của người Anh, tiếng Anh của người Mỹ, tiếng Anh của người Úc, hay tiếng Anh của người Ấn Độ… nên việc dạy tiếng Anh đồng bộ sẽ thuận lợi rất nhiều.

Ảnh trên:Việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ tuổi mẫu giáo là nền tảng quan trọng. Ảnh: Japantimes 

Anh Osk Seng Kuan, sinh viên Trường ĐH Malaya (Malaysia), kể: “Ở Malaysia, thông thường tất cả trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đều được nhà trường dạy tiếng Anh cơ bản để tạo cho trẻ thói quen, sự hứng thú và nền tảng cơ bản. Thậm chí ở nhiều gia đình có nền tảng tiếng Anh tốt thì ngay từ khi con em họ được sinh ra đời họ đã tự dạy tiếng Anh cho chúng”. Anh Osk Seng Kuan cho biết thêm theo hệ thống giáo dục Malaysia, tiếng Anh là môn học bắt buộc. Cho nên tất cả  trẻ em 7-12 tuổi phải đến trường học tiếng Anh mỗi ngày.

Điều này tương tự tại Philippines. Gặp gỡ sinh viên Ma-an Jane Diamos, Trường ĐH Philippines Manila (Philippines), tại chương trình du khảo sinh thái Đại sứ môi trường Bayer 2013 tại Đức, nhiều sinh viên ASEAN tỏ ra thán phục về khả năng trình bày dự án sáng kiến môi trường (dự án về kỹ thuật) bằng tiếng Anh rất trôi chảy, lưu loát của cô gái trẻ xinh xắn này. Ma-an chia sẻ: “Tôi may mắn vì tại Philippines chúng tôi được học tiếng Anh từ độ tuổi mầm non”.

Tại Thái Lan, theo thông tin từ Pom Sarayut, sinh viên ngành cơ khí Trường ĐH Chulalongkorn, các trường học từ vùng thành thị đến nông thôn đều dạy tiếng Anh khi trẻ bước vào tuổi mẫu giáo. Việc dạy và học tiếng Anh từ sớm tạo nền tảng cho học sinh có thể học tiếng Anh chuẩn hơn khi lớn lên và đạt những chuẩn đầu ra tốt hơn.

Dạy học, giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh

Thực tế tại nhiều nước, việc học tiếng Anh từ độ tuổi mầm non cũng đã được áp dụng với mức độ ít hay nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra môi trường học tiếng Anh song song tiếng mẹ đẻ thì phương pháp dạy và cách tiếp cận môn học tiếng Anh cũng rất quan trọng.

Học sinh tốt nghiệp phổ thông tại Philippines, Malaysia có thể giao tiếp cơ bản, thậm chí là làm việc bằng tiếng Anh. Ảnh: Insight.Glos.Ac.Uk

Câu hỏi đặt ra là những đứa trẻ sẽ học tiếng Anh bằng phương tiện gì? Học như thế nào với dung lượng ra sao? Ma-an chia sẻ những vấn đề này như sau: “Tại Philippines, trẻ mầm non được tiếp cận với những từ, cụm từ tiếng Anh cơ bản, đơn giản, gần gũi và quen thuộc để trẻ dễ nhớ và có môi trường luyện tập”.

Bên cạnh đó, khi vào tiểu học, cấp II trở lên, học sinh được học tiếng Anh thông qua một môn học độc lập nhưng quan trọng hơn là thông qua nhiều môn học khác được tích hợp tiếng Anh. “Các môn toán, khoa học, giáo dục công dân… thậm chí là môn lịch sử được tích hợp tiếng Anh để học sinh có thể tiếp cận được các từ ngữ học thuật thông dụng. Trẻ em vừa học chữ, vừa học tiếng Anh, vừa có cơ hội luyện nghe, nói, đọc, viết, tạo thuận lợi cho học sinh học và sử dụng tiếng Anh dễ hơn về sau” - Ma-an cho biết thêm.

Mặt khác, tiếng Anh còn ảnh hưởng sâu rộng vào văn hóa tại Philippines và được truyền thông nước này sử dụng rộng rãi. Các chương trình quảng cáo thu hút trẻ em và người dân được phổ biến bằng tiếng Anh. Trẻ em được tiếp cận với tiếng Anh chuẩn xác thông qua các chương trình tivi mỗi ngày. Hiện nay, ở các khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa tại Philippines, các bậc phụ huynh cũng đã và đang nỗ lực dạy cho con em mình học những cụm từ giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh và sử dụng thường xuyên trong gia đình. Riêng ở các vùng trung tâm thì như Ma-an kể: “Các bậc cha mẹ ở các khu đô thị tại Philippines rất khá tiếng Anh, thậm chí nhiều trong số họ là giỏi tiếng Anh. Thế nên phụ huynh còn cố gắng dạy cho con em họ những cụm từ tiếng Anh giao tiếp cơ bản mỗi ngày. Ở chỗ tôi, các bậc cha mẹ thường dùng các cụm từ “Don’t touch that! It’s dirty” (đừng chạm vào nó, bẩn đấy!) hay những cụm từ tương tự trong giao tiếp với trẻ con trong nhà”.

Nhiều nước dạy toán, đạo đức, xuất bản truyện tranh cho trẻ em bằng tiếng Anh. Ảnh: lh4.ggpht.com 

Chuẩn đầu ra tiếng Anh cho học sinh phổ thông

Để xác định được hiệu quả của việc dạy tiếng Anh, từ đó có biện pháp và chiến lược lâu dài, nhiều nước còn chú trọng đào tạo theo định hướng chuẩn đầu ra tiếng Anh. Nghĩa là khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh sẽ đạt trình độ nào về tiếng Anh? Trình độ ấy được thể hiện và vận dụng ra sao?

Tại Thái Lan, theo bạn Pom Sarayut thì các học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài ở mức trung bình, nhiều trường hợp khá và xuất sắc. Đặc biệt, để được vào học tại một số trường đại học lớn như Chulalongkorn, học sinh tốt nghiệp phổ thông phải vượt qua kỳ thi tiếng Anh của Bộ Giáo dục. Hướng đến mục tiêu này, việc dạy các kỹ năng nghe, nói được chú trọng thông qua các giải pháp rèn luyện thường xuyên; tăng giờ dạy và địa điểm dạy tiếng Anh; linh hoạt các hình thức giảng dạy.

Trong khi đó tại Malaysia, rất nhiều học sinh tốt nghiệp cấp III có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, thuần thục và vận dụng tiếng Anh ở mức hạng cao. Theo anh Osk Seng Kuan, tuy chuẩn tiếng Anh ở khu vực nông thôn yếu hơn khu vực thành phố lớn nhưng hầu như tất cả học sinh nói riêng và người dân Malaysia nói chung đều có thể hiểu và giao tiếp bằng tiếng Anh ở mức cơ bản, ngay cả một người buôn bán thông thường.

Ở một mức độ dường như cao hơn, các học sinh tốt nghiệp phổ thông tại Philippines có khả năng ứng dụng tiếng Anh thành thạo, thậm chí tiếng Anh mang tính chuyên môn. Theo mô tả của Ma-an, hầu như các học sinh sau phổ thông có thể nói tiếng Anh rất trôi chảy, thậm chí là sành điệu. Họ có khả năng tham gia vào các cuộc phỏng vấn cho học bổng, chương trình giao lưu quốc tế. Họ dùng tiếng Anh để mô tả một cách thuyết phục năng lực, sở trường và kỹ năng của họ trước người phỏng vấn. “Tôi biết rất nhiều học sinh dù chỉ vừa tốt nghiệp phổ thông ở Philippines nhưng làm việc với vai trò tổng đài viên (nghe gọi điện thoại chăm sóc, tư vấn khách hàng) cho các trung tâm hay công ty, nhân viên dịch tiếng Anh trực tuyến” - Ma-an nhấn mạnh.

ĐỖ VĂN

Giáo trình tiếng Anh phải gần gũi, thiết thực

Việc sử dụng giáo trình tiếng Anh phù hợp với nhu cầu, sở thích của học sinh là rất quan trọng. Trong đó, để trẻ em không có tâm lý “học tiếng Anh chỉ là học ngôn ngữ” thì giáo trình tiếng Anh nhất thiết phải cung cấp được thông tin, kiến thức, những câu chuyện về đạo đức cho trẻ.

Như tại Philippines, học tiếng Anh cũng có nghĩa là học toán, học khoa học, hay những câu chuyện công dân. Tại Trung Quốc, nhiều giáo trình được chính người bản xứ nước này xây dựng nên trong đó có những mẩu chuyện về lịch sử Trung Quốc, văn hóa gia đình, trường học, đời sống học sinh sinh viên Trung Quốc. Thậm chí cao cấp hơn, họ còn đưa vấn đề kinh tế-xã hội Trung Quốc vào giáo trình tiếng Anh. Nhiều quốc gia khác còn đưa các mẩu truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện tranh hay truyện cười vào giảng dạy tiếng Anh. Điều này kích thích khả năng phán đoán nghĩa của từ, tăng khả năng nhớ từ vựng, ngữ pháp; lại tăng cường kiến thức phổ thông, kích thích hứng thú học tiếng Anh cho học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm