Hội Nhà văn Việt Nam mời Trung tướng Nguyễn Đức Soát làm hội viên

(PLO)- Với danh nghĩa Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã mời Trung tướng Nguyễn Đức Soát làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-12, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt sách Bầu trời – Trường Đại học của tôi của Anh hùng Phi công, Trung tướng Nguyễn Đức Soát.

Cách đây 4 năm, vào dịp 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã quyết định xuất bản cuốn sách Nhật ký phi công tiêm kích. Năm nay, ông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc Hồi ức Bầu trời - Trường đại học của tôi.

Cuốn sách đi sâu vào câu chuyện “đời bay” một của phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam, cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương - gia đình - bạn bè.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (giữa) giao lưu tại sự kiện. Ảnh: VIẾT THỊNH

Thông qua cuộc đời lao động và chiến đấu của phi công Nguyễn Đức Soát, bạn đọc không chỉ đồng hành với ông trong những trận không chiến đã trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn được biết thêm những câu chuyện đầy tinh thần nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam.

Đồng thời, trong sách còn có những câu chuyện nghề nghiệp mang tính “kỹ thuật” trong thời bình, như ông vẫn quan niệm và ví von bầu trời như trường đại học lớn của cuộc đời mà ông không ngừng học tập và không thể tách mình ra khỏi.

“Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy” - Trung tướng, Anh hùng Phi công Nguyễn Đức Soát

Những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề của anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tràn đầy cảm hứng, say mê, luôn được dung dưỡng trong một tình cảm lớn với Tổ quốc, song vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương son sắt thủy chung, thực sự khơi gợi động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng lao động, sáng tạo trong thời kỳ hòa bình, ổn định của đất nước.

Có mặt tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói ông đến đây để chúc mừng tác giả, đồng thời để được chạm vào da thịt một thần tượng và mang theo một lời mời ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết năm 1991, ông đã dẫn đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ đến Bảo tàng Phòng không- không quân để tìm hiểu về không quân Việt Nam.

hoi-nha-van-viet-nam-moi-trung-tuong-nguyen-duc-soat-lam-hoi-vien-2.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: VIẾT THỊNH

“Sau chiến tranh, tất cả những người Mỹ luôn tìm hiểu lý do gì mà họ thất bại trong cuộc chiến tranh, khi họ đến Việt Nam, đến bảo tàng, họ muốn tìm hiểu bí ẩn nào ẩn khuất nào làm nên chiến thắng đó… Cuốn sách này đã hé lộ một phần, điều làm nên sức mạnh không quân Việt Nam”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ: “Thay mặt thế giới chúng tôi đang sống, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn với những người anh hùng, những người lính, những người còn sống, những người đang hiện diện tại đây, những người đã khuất, những người đã bay lên mây trắng trời xanh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm