Hôm nay, khởi công cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL

(PLO)- Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đóng vai trò là hành lang xương sống trục ngang, kết nối các trục dọc như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía đông, phía tây tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho ĐBSCL.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khởi công bốn dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ

Hôm nay (17-6), bốn dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ đồng loạt khởi công tại An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Lễ khởi công được tổ chức với hình thức trực tuyến, trong đó điểm cầu chính tại TP Châu Đốc (An Giang).

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các tỉnh ĐBSCL.

Khu vực diễn ra lễ khởi công dự án thành phần 1 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: CHÂU ANH

Khu vực diễn ra lễ khởi công dự án thành phần 1 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: CHÂU ANH

Cao tốc giai đoạn 1 đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 37 km, với hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 450 hộ dân có nhu cầu tái định cư với khoảng 500 nền. “Tỉnh đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng hai khu tái định cư, tổng diện tích khoảng 10 ha, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 8. Hai dự án tái định cư này có khoảng 550 nền, cơ bản sẽ đủ để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, phải nhường đất, nhường nơi sinh sống cho dự án cao tốc” - ông Tuyên thông tin thêm.

Cũng theo ông Tuyên, trên địa bàn tỉnh có hai tuyến cao tốc đi qua. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hai dự án sẽ là trục giao thông kết nối, tạo liên kết vùng, tạo trục hành lang kinh tế, nhằm phát huy sức mạnh của các địa phương. Từ đó, góp phần cho vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản được thuận tiện hơn; tăng chuỗi giá trị, tạo điều kiện để Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, TP ĐBSCL nói chung phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Sẵn sàng khởi công Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa

Chiều 16-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết địa phương đã sẵn sàng chuẩn bị lễ khởi công dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa vào ngày 18-6. “Thời gian qua, Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với các chủ đầu tư và đơn vị, địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); mỏ đất và các nội dung liên quan đến triển khai dự án” - ông Bách thông tin.

Tại Đắk Lắk, dự án thành phần 3 UBND tỉnh Đắk Lắk giao BQL dự án tỉnh làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư hơn 6.165 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) hơn 1.346 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 4.090 tỉ đồng, còn lại là các chi phí: Chi phí thiết bị, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, dự phòng và một số chi phí khác.

Theo ông Bách, xác định công tác GPMB là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ cấp ủy đến chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể và sự đồng thuận cao của người dân vùng dự án, các địa phương đang tích cực thực hiện công tác này nhằm chuẩn bị sẵn sàng để dự án khởi công đúng kế hoạch.

Hiện nay, chủ đầu tư đang đôn đốc các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dự kiến từ nay đến hết tháng 6, huyện Cư Kuin sẽ đạt 70% và phấn đấu đến ngày 12-9 sẽ bàn giao 100%; hai huyện Krông Pắk và Ea Kar bắt đầu bàn giao mặt bằng từ ngày 13 đến 30-6 đạt 70%, dự kiến đến ngày 9-9 sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng.

Bàn giao 89% mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa bàn tỉnh dài 19,5 km. Trong đó, đoạn đi qua địa phận thị xã Phú Mỹ khoảng 15,5 km và đoạn qua TP Bà Rịa khoảng 4 km. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 138,18 ha.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, ông Vinh cho biết tỉnh đã có các nghị quyết về bố trí vốn, bổ sung vốn với tổng mức 1.110 tỉ đồng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để chi cho công tác bồi thường, GPMB dự án. Bên cạnh đó, hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định bố trí 1.018 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương cho dự án này.

Về công tác GPMB, hiện đã hoàn thành cắm cọc, bàn giao mốc GPMB và ban hành thông báo thu hồi đất cho thị xã Phú Mỹ và TP Bà Rịa. Ngoài ra, đã hoàn thành công tác kiểm kê, phê duyệt giá đất bồi thường trên toàn tuyến đạt 100%. Đến ngày 8-6, tổng kinh phí bồi thường đã ban hành quyết định phê duyệt là gần 1.800 tỉ đồng, cho 884 hộ dân, tổ chức (tương ứng 64,65% diện tích), tổng kinh phí đã chi trả là hơn 1.641 tỉ đồng cho 748 hộ dân, tổ chức; tổng diện tích đã bàn giao mặt bằng đạt 89% diện tích thu hồi.

Hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị cho lễ khởi công vào ngày 18-6. Đồng thời cũng đã phê duyệt kết quả chỉ định chọn nhà thầu thi công dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm