Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc bổ nhiệm các chức danh căn cứ theo quy định của Đảng, Nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thực hiện. Vừa qua báo chí đã nêu những điểm còn khó hiểu về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ nhiệm giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để rà soát lại toàn bộ quá trình bổ nhiệm có đúng các quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước hay không.
"Chúng ta cũng cần lưu ý thêm hiện nay, bên cạnh các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo quản lý, các bộ, ngành, địa phương có thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm riêng của mình để bổ sung thêm các tiêu chuẩn, quy định cụ thể nhưng không được trái các quy định hiện hành. Sau khi tổ công tác kết thúc làm việc với tỉnh Quảng Nam, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành họp báo riêng để thông báo chi tiết những vấn đề dư luận đang quan tâm liên quan đến việc bổ nhiệm giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, cũng như có kết luận về việc bổ nhiệm này có đúng với các quy định của Đảng, Nhà nước hay không" - bộ trưởng nói.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời: Đến giờ này Văn phòng Chính phủ mới nhận được báo cáo và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Những tình tiết sai phạm trong báo cáo đã được UBND TP Hà Nội thông tin rộng rãi đến báo chí. Còn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét nên chưa thể nói được gì bởi vì muốn xem xét cụ thể, rõ ràng và đưa ra những kết luận thì phải có đầy đủ cơ sở mới có thể trả lời được. Trong lúc này chúng tôi chưa có, chỉ mới nhận được báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ với những quan điểm của cơ quan tham mưu.
Nếu như báo cáo chưa đầy đủ hoặc hồ sơ chúng tôi có chưa đầy đủ thì chắc chắn rằng chúng tôi sẽ đề xuất, tham mưu với Thủ tướng là lập đoàn thanh tra để làm rõ trước khi Thủ tướng Chính phủ kết luận. Điều đó cũng là bình thường.
Thứ hai, qua những gì đã công bố thì chúng tôi cảm nhận được rằng có khả năng thu hẹp hoạt động của một số cơ quan báo chí. Như vậy, xin lấy ví dụ, cuộc họp báo Chính phủ hôm nay thay vì có nhiều PV đưa tin thì số lượng tham gia họp báo Chính phủ sẽ bớt đi. Với tư cách là người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đánh giá tác động ấy thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết, chúng ta đã biết quan điểm, kết luận của Đảng xung quanh vấn đề quy hoạch báo chí.
Về quan điểm của Chính phủ, hôm họp mặt báo chí nhân ngày Báo chí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều, rất rõ, cụ thể về vấn đề thực hiện quy hoạch báo chí. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT tiếp tục triển khai, lắng nghe, sau đó đề xuất kiến nghị trước khi Thủ tướng thực hiện nhiệm vụ của mình theo chỉ đạo, theo phân công. Tôi nghĩ rằng những gì phải nói thì Thủ tướng cũng đã nói và Đảng cũng có kết luận vấn đề này, có nghĩa là làm gì thì làm nhưng phải quan tâm tới việc ổn định, không để xáo trộn, quan tâm tới đội ngũ những người làm báo để tiếp tục có điều kiện, có cơ hội cống hiến cho đất nước. Còn cụ thể như thế nào, sắp xếp ra làm sao thì hiện nay Bộ TT&TT đang đi các địa phương để tiếp tục nghe ý kiến đóng góp. Sau khi lắng nghe đầy đủ, sẽ tổng hợp báo cáo, lúc đó chúng ta sẽ bàn kỹ để thực hiện công việc như theo quan điểm tôi vừa nói.
Cụ thể quy hoạch này như thế nào, hôm nay cũng là dịp để chúng ta tiếp tục trao đổi, chia sẻ. Đây là công việc của chúng ta, Nhà nước và báo chí là những người đồng hành với nhau để lo công việc này. Hiện nay một số bình luận, băn khoăn trên một số diễn đàn về việc xử lý như thế nào không phải hoàn toàn là vô cớ. Nhưng quan điểm như tôi vừa nói là làm thế nào cho ổn chứ không phải làm cho có, để sau đó chúng ta củng cố và phát triển tốt hơn như bộ trưởng Bộ TT&TT đã từng nói với các bạn trong buổi họp vừa rồi. Đề nghị các bạn hết sức thoải mái, không có gì quá băn khoăn, lo lắng. Hãy ngồi lại để cùng đóng góp những gì thấy cần thiết để Bộ TT&TT là cơ quan được giao lắng nghe cầu thị, tập hợp đầy đủ ý kiến để tham mưu xác đáng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ký quy hoạch này.
Đề nghị đồng chí Nguyễn Thành Hưng tiếp tục trao đổi một số tình hình cần thiết tại diễn đàn hôm nay để chúng ta chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tiếp lời: Trước hết tôi cũng xin được chia sẻ tâm tư, lo lắng của báo Pháp Luật TPHCM. Tôi có thể khẳng định như thế này, giống như bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nói, việc quy hoạch báo chí như thế nào thì chúng ta đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và với tinh thần chúng ta làm một cách thận trọng, có lý, có tình.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đang triển khai các đoàn công tác để trực tiếp làm việc với các cơ quan chủ quản, lắng nghe, tìm hiểu các tâm tư, nguyện vọng cũng như bàn phương thức thực hiện quy hoạch này có tình, có lý nhất.
Trên tinh thần đó, đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực báo chí xuất bản hiện nay đang trong chương trình công tác tại TP.HCM cũng như tại các tỉnh phía Nam. Tinh thần là Bộ TT&TT phải làm việc với đơn vị chủ quản. Còn việc sắp xếp như thế nào là việc các cơ quan chủ quản đã lĩnh hội được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ rồi thì sẽ phải có kế hoạch sau khi bàn bạc, làm việc với Bộ TT&TT. Chúng tôi khẳng định Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ phê duyệt quy hoạch sau khi Bộ TT&TT đã thống nhất phương án với các cơ quan chủ quản.
PV Nghĩa Nhân: Vậy có cơ hội nào để các cơ quan báo chí có ý kiến phản biện về vấn đề này không?
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: Tôi nghĩ rằng chắc chắn chúng ta làm việc với tinh thần dân chủ. Trước khi cơ quan chủ quản có kế hoạch gì đối với các tờ báo thuộc chủ quản của mình thì chắc chắn cơ quan chủ quản đó sẽ phải bàn bạc dân chủ với cơ quan báo chí mà mình phụ trách. Ngoài ra, các đồng chí có tâm tư, nguyện vọng thì hoàn toàn có thể gửi lên để đề đạt với Bộ TT&TT. Trong quá trình làm việc với các cơ quan chủ quản, chúng tôi chắc chắn sẽ lắng nghe những ý kiến hợp lý của các cơ quan báo chí.