Từ 0 giờ ngày 25-8, TP.HCM áp dụng mẫu giấy đi đường (GĐĐ) mới do Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM, công an cấp huyện và cấp xã in, ký.
Theo Công an TP, những người trong 17 nhóm được phép lưu thông nhưng chưa kịp làm GĐĐ theo mẫu mới thì tùy tình hình sẽ có cách xử lý linh động.
Trong khi đó, nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) cho rằng khá bất ngờ và bối rối vì GĐĐ thay đổi liên tục, không kịp chuẩn bị.
Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết từ 18 giờ ngày 22 đến 11 giờ ngày 25-8, lực lượng CSGT TP đã kiểm soát gần 91.700 trường hợp ra đường. Trong đó, công an các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm soát gần 90.700 trường hợp, Phòng PC08 kiểm soát 1.000 trường hợp. CSGT TP đã lập biên bản 866 trường hợp vi phạm việc ra đường, tạm giữ 168 xe. |
Giải quyết linh hoạt nhiều trường hợp
Theo ghi nhận của PV tại một số chốt kiểm soát trong nội thành TP.HCM, người dân ra đường chủ yếu thuộc các trường hợp được lưu thông và người đi tiêm vaccine.
Nhiều người dân cho biết khá bất ngờ và bối rối vì GĐĐ thay đổi liên tục, người dân chưa thể làm kịp để thông hành. Trong khi đó, hiện nay ra đường để đi làm GĐĐ cũng là cả một vấn đề. Tuy vậy, nhiều chốt kiểm soát vẫn tạo điều kiện cho người dân qua chốt khi chưa kịp làm GĐĐ theo mẫu mới.
Điển hình, tại chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, người dân đi lại chủ yếu dùng GĐĐ cũ đã cấp trước đó. Tại đây, lực lượng kiểm soát hướng dẫn và yêu cầu người dân cập nhật theo mẫu mới do PC08 hoặc công an quận, huyện cấp.
Lực lượng chức năng tạo điều kiện cho người dân tạm thời sử dụng giấy đi đường cũ để lưu thông do chưa kịp làm theo mẫu mới. Ảnh: LÊ THOA
Một cán bộ tại trạm kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng cho biết mẫu GĐĐ mới vừa được ban hành, nhiều người chưa kịp cập nhật nên lực lượng tại chốt vẫn tạo điều kiện cho đi lại trong thời gian này. Khoảng 1-2 ngày tới, Công an TP sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn và yêu cầu phải đúng mẫu mới được lưu thông.
Tại làn ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, lực lượng kiểm soát tạo điều kiện cho các xe vận tải đã có mã QR đi thẳng, không cần kiểm tra GĐĐ.
Tuy nhiên, cục bộ có một số chốt yêu cầu GĐĐ với tài xế có mã QR. Điển hình, sáng 25-8, một DN cung cấp trứng gia cầm cho các siêu thị ở TP.HCM cho biết ba xe chở trứng gia cầm của đơn vị khi đến một số chốt đã bị yêu cầu phải có GĐĐ do cơ quan công an cấp dù xe đã được cấp mã QR luồng xanh. Do đó, ba xe của công ty phải quay về, không thể giao hàng cho siêu thị.
Trong khi đó, theo Công văn 2850 của TP.HCM ban hành ngày 23-8, xe vận chuyển hàng hóa gồm tài xế và phụ xe đã được ngành giao thông cấp mã QR thì không tiến hành kiểm tra GĐĐ cá nhân và cho xe thông chốt.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết những xe chở hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong nội thành sẽ không kiểm tra GĐĐ và giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Việc kiểm tra trên chỉ thực hiện ngoài các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.
Hướng dẫn 11 vấn đề kiểm tra giấy đi đường
Chiều 25-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch trên địa bàn.
Về vấn đề GĐĐ, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP không cấp bằng số lượng đề nghị ban đầu của các sở, ngành và doanh nghiệp (cấp ít GĐĐ hơn - PV). Theo ông Hà, với chỉ đạo của Chính phủ, đợt kiểm soát người lưu thông trên đường lần này phải thực hiện nghiêm ngặt và chặt chẽ theo phương châm “ai ở đâu ở yên đó”. Vì thế, việc cấp GĐĐ Công an TP phải cân nhắc, số người được cấp giấy phải là trường hợp thật sự ra đường làm công vụ.
Cùng ngày, Công an TP.HCM cũng đã có hướng dẫn kiểm tra GĐĐ tại các chốt kiểm soát nội đô theo các công văn 2796, 2800, 2850 của UBND TP và Thông báo 3261 của Công an TP phát hành trước đó.
Theo đó có 11 vấn đề về kiểm tra GĐĐ ở các chốt kiểm soát nội đô TP.
1. Các xe vận tải được cấp mã QR được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian cấp phép, không kiểm tra GĐĐ.
2. Đối với các xe vận tải hàng hóa không được cấp mã QR thì tài xế và người ngồi trên xe phải có GĐĐ theo quy định.
3. Các nhóm đối tượng lưu thông (người lao động, hỗ trợ phòng chống dịch…) phải có GĐĐ do công an cấp.
4. Shipper giao hàng: Dừng hoạt động tại các quận, huyện 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, TP Thủ Đức. Các quận, huyện khác chỉ được hoạt động trong địa bàn quận, huyện và có nhận diện theo quy định.
5. Trường hợp không cần GĐĐ: Người đi tiêm vaccine (có tin nhắn hoặc giấy mời, kèm CMND/CCCD); lực lượng y tế; các đối tượng, xe chở ôxy, thuốc men, vật tư thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19…
6. Đối với lực lượng công an, quân sự: Xe và cán bộ, chiến sĩ mặc quân phục được phép di chuyển trên toàn TP để thực thi công vụ. Lực lượng thường phục phải có giấy giới thiệu hoặc giấy phân công công tác của thủ trưởng đơn vị hoặc thẻ ngành, GĐĐ.
7. GĐĐ do Sở Ngoại vụ cấp vẫn được sử dụng (mã 7A, 7B).
8. Cán bộ, công nhân, viên chức của sở, ban, ngành có đồng phục; công nhân viên dịch vụ công ích thì mặc đồng phục ngành. Các sở, ban, ngành không có đồng phục thì mặc áo nhận diện do TP cấp.
9. Kiểm tra di biến động dân cư trên nền tảng dữ liệu dân cư thông qua kiểm soát bằng tài khoản kiểm tra mã QR của dân cư.
10. Ưu tiên xe của công an, quân sự, y tế và các xe được PC08 cấp phù hiệu nhận diện.
11. Thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau tạo điều kiện lưu thông cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; ngành hàng không, sân bay…•
“Bỏ ngay quy định trung chuyển hàng hóa ở Cần Thơ” Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi kết luận cuộc họp trực tuyến với 63 sở GTVT về vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 25-8. Trước các thông tin báo chí đã phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết trước đây mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 xe đi trên địa bàn. Khi TP bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 thì mỗi ngày có khoảng 4.000 xe đi qua trung tâm TP Cần Thơ, khi áp dụng biện pháp tăng cường thì giảm xuống còn khoảng 2.000-2.500 xe. Nếu để như hiện nay có trên 3.000 điểm giao nhận hàng hóa trong trung tâm thì TP không kiểm soát được. Vì vậy, UBND TP đã yêu cầu DN vận tải, chủ xe đi qua trung tâm TP phải đăng ký trước để địa phương sắp xếp, phân luồng. Còn hàng hóa bốc dỡ tại địa bàn TP sẽ tổ chức 12 điểm trung chuyển tại các cửa ngõ để hạn chế xe và người đi từ vùng dịch về vào trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch. Việc yêu cầu đăng ký trước không phải gia tăng thủ tục hành chính, mà là giải pháp hỗ trợ các DN, xe có nhu cầu đi qua TP… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lập tức phản biện: “Anh Hè nêu lý do như vậy không hề thuyết phục. Cần Thơ là thủ phủ miền Tây Nam bộ, là điểm trung chuyển lớn, những trục quốc lộ quan trọng đều đi qua TP mà hiện nay mỗi ngày chỉ khoảng 3.000-4.000 xe đi đến và đi qua TP là không lớn. Anh nhìn xem, TP.HCM, Đồng Nai cũng đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh như vậy, lưu lượng xe lớn hơn rất nhiều sao họ vẫn tổ chức tốt, vẫn đảm bảo phòng chống dịch. Sáng nay, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng phải gọi điện thoại cầu cứu tôi vì xe chở ôxy về Sóc Trăng không qua được TP Cần Thơ, tôi phải gọi cho chủ tịch TP để xử lý đấy, nếu như thế này các anh vừa gây khó khăn cho chính các anh, cho các tỉnh miền Tây”. Bộ trưởng Thể nói thêm: “Các anh đã tính toán kỹ chưa? Nếu trung chuyển thì TP có sắp xếp được đủ tài xế, xe để xếp dỡ không? Trang thiết bị, công nhân xếp dỡ có đủ không? Tập trung trung chuyển có thể gây tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh hơn. Tính toán kỹ những tác động, ảnh hưởng đến khâu lưu thông, tiêu thụ chưa? Khi báo chí đã nêu, DN, người dân bức xúc thì chứng tỏ chính sách, giải pháp của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, cho nên các anh cũng phải tính toán lại thật kỹ, rà soát và phải có sự điều chỉnh ngay để không trái với những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành”. VIẾT LONG |