Hủy bỏ ngay quản lý mã số mã vạch hành doanh nghiệp

Từ đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phản ánh về những vướng mắc liên quan đến mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên các lô hàng xuất khẩu. Đáng nói, thủ tục liên quan đến MSMV rất nhiêu khê, DN phải mất 20-30 ngày mới xuất được hàng.

Trước bức xúc của các DN, ngày 20-5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tổ chức một cuộc họp giữa các bộ, ngành và DN để giải quyết vấn đề. TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ tư vấn Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng tham dự cuộc họp.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cung nói: “Tự nhiên người ta nghĩ tới nguy cơ hàng hóa kém chất lượng rồi đặt ra vấn đề quản lý chất lượng, tránh hàng giả, hàng nhái, sợ nước ngoài dán mác hàng Việt Nam… để yêu cầu phải có quản lý nhà nước đối với MSMV”.

Nhà nước không cần quản lý MSMV

. Phóng viên: Thế MSMV là gì mà Nhà nước, mà cụ thể là Bộ KH&CN lại muốn quản lý?

+ Ông Nguyễn Đình Cung: MSMV là một dạng nhận diện hàng hóa, để thuận tiện cho thương mại, quản lý hàng hóa trong chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo thuận lợi cho hàng hóa thông thương tốt. Cái này là tự DN đặt ra, tuân theo quy định rõ ràng.

. Thế nó có thể hiện hay liên quan đến chất lượng hàng hóa không?

+ Không! MSMV không liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa, không phải là công cụ quản lý chất lượng, không dùng để xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Luật về quản lý chất lượng hàng hóa cũng không có một từ nào liên quan đến MSMV.

Giờ người ta nại ra vấn đề nhiều DN dán nhãn mà không được phép của nước ngoài. Nhưng không phải như vậy. DN nước ngoài yêu cầu dán nhãn này là để từ đó khi nhập khẩu hàng hóa thì người ta cho xếp ngay sang kệ của siêu thị. DN nước ngoài không mất công để dán thêm cái MSMV này. Và như vậy, DN Việt Nam dán MSMV là theo yêu cầu của nhà nhập khẩu từ nước ngoài chứ không phải từ cơ quan quản lý nhà nước của nước khác, cũng không phải vì không dán cái này thì không xuất khẩu được. Như vậy, Nhà nước Việt Nam cũng không cần quản lý.

. Nhưng rõ ràng là Nghị định 74/2018 cũng như Bộ KH&CN lo ngại tình trạng “chôm chỉa” nhãn hàng…

+ Giả sử như một DN Việt dán một MSMV vào hàng hóa để xuất khẩu, có ăn cắp hay lạm dụng thì đó là việc dân sự. Nếu DN nước ngoài phát hiện ra thì họ sẽ kiện. Thật ra DN nước ngoài họ sẽ kiện ra tòa, họ giỏi hơn các cơ quan quản lý nhà nước gấp nhiều lần. Còn thực tế thì cho đến nay, việc sử dụng MSMV không phát sinh ra vấn đề gì cả.

Bởi vì khi các DN làm ăn với nhau, họ đã chi tiết hóa mọi vấn đề trong hợp đồng rồi.

Sử dụng mã số mã vạch trên hàng hóa là thỏa thuận dân sự giữa các doanh nghiệp. Trong ảnh: Giới thiệu trái cây xuất khẩu của Việt Nam với khách nước ngoài. Ảnh: QUANG HUY

“Nghị định không đầu”

. Nếu vậy, tại sao Nghị định 74/2018 lại đặt ra vấn đề quản lý MSMV?

+ Có lẽ cơ quan quản lý nhà nước dựa vào một cái gì đó để tưởng tượng ra là MSMV có vấn đề. Nên nhớ, Nghị định 74/2018 là hướng dẫn Luật Quản lý chất lượng hàng hóa. Mà luật này thì không có một từ nào, như tôi nói ở trên, liên quan hay yêu cầu phải quản lý MSMV. Bởi vậy, quy định về MSMV trong Nghị định 74/2018 là không có cơ sở, người ta hay gọi là “nghị định không đầu”.

Bộ KH&CN dựa vào Quyết định 45/2002 của Thủ tướng và Quyết định 15/2006, Thông tư 16/2011 của chính bộ này để đặt ra yêu cầu quản lý MSMV là lách luật để cho ra đời một nghị định không đầu. Đây là sự tùy ý, tùy tiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng nói, người ta cứ nghĩ ra một việc gì đó, rồi tìm cách đưa vào các văn bản. Cụ thể ở đây, cơ quan quản lý nhà nước đã giành phần chứng nhận, xác nhận ủy quyền MSMV như một loại giấy phép. Rồi sau đó người ta chuyển sang hải quan để nếu DN nào không có thì xử phạt. Người ta dồn DN vào thế chẳng đặng đừng.

. Nhưng ít nhất là người ta đang muốn bảo vệ một lợi ích nào đó chứ?

+ Không, việc chứng nhận ủy quyền MSMV không có gì gọi là bảo vệ lợi ích chung của xã hội, ngược lại nó tạo ra khó khăn cho DN. Quy định này là bất hợp lý.

Không có ý nghĩa thực tế

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng việc đưa MSMV vào Nghị định 74 là không có cơ sở pháp lý và việc cấp giấy “Xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài” hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước. Quy định về MSMV đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng chi phí cho DN.

VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ những quy định liên quan đến MSMV tại Nghị định 74/2018. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thực hiện nội dung quy định về sử dụng mã nước ngoài.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký VASEP 

Phải hủy bỏ ngay

. Vậy hệ quả của việc giành quyền xác nhận ủy quyền MSMV là gì, thưa ông?

+ Nó gây ra ách tắc cho DN và rộng ra là cho xuất khẩu. Kể cả các DN xuất khẩu gạo, không riêng gì thủy sản, dệt may… cũng khó khăn vì MSMV. Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì mới đây, các bên liên quan cũng thừa nhận là không có vấn đề gì với MSMV mà là do người ta tạo ra vấn đề, biến một chuyện hết sức đơn giản thành phức tạp.

Tôi không dám võ đoán nhưng có thể việc này rất có thể chỉ vì lợi ích của những đơn vị dịch vụ công. Vì chỉ cần vào website của tổ chức MSMV thế giới tìm kiếm là ra ngay MSMV nào là của DN nào. Vậy mà người ta lại biến nó thành phức tạp.

. Trong trường hợp này, có cần phải sửa đổi quy định trong Nghị định 74/2018 liên quan đến MSMV không, thưa ông?

+ Không cần phải sửa sang gì cả, mà phải hủy bỏ ngay. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các bên cũng đồng ý là phải bỏ để tạo thuận lợi cho DN. Trong lúc chưa bỏ được quy định này ra khỏi Nghị định 74/2018 thì phải hướng dẫn sao đó để không cần thực hiện cái này. Cũng không cần hậu kiểm gì cả, vì làm gì có vấn đề gì mà hậu kiểm.

Sự can thiệp của Nhà nước chỉ khi nào vì lợi ích công cộng, để bảo vệ DN. Với MSMV, DN có cần bảo vệ đâu mà Nhà nước cứ xông ra bảo vệ!

. Xin cám ơn ông.

Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ KH&CN:

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Bộ KH&CN đã làm việc với các bộ, ngành có liên quan để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài hoặc ủy quyền sử dụng MSMV nước ngoài theo Nghị định 74/2018.

Qua phản ánh thực tế của DN, các đơn vị quản lý chuyên ngành cũng nhìn nhận trong quá trình triển khai thực tế, việc hướng dẫn sử dụng mã nước ngoài cho các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu hàng hóa cần được thể hiện rõ hơn. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Bộ KH&CN sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó hướng dẫn cụ thể về các hình thức ủy quyền cho phép sử dụng mã nước ngoài…

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương:

Không bắt buộc phải có MSMV

MSMV không liên quan đến chất lượng hàng hóa, không phải là căn cứ để xác định xuất xứ, không đủ thông tin để thực hiện truy xuất nguồn gốc và không phải là yêu cầu bắt buộc trong ghi nhãn hàng hóa. MSMV được DN Việt Nam sử dụng, in sẵn MSMV nước ngoài lên hàng hóa là thỏa thuận dân sự giữa các DN, có thể thực hiện bằng giấy ủy quyền hoặc không cần có giấy.

Việc buộc các DN Việt Nam phải có giấy ủy quyền và thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thể vượt quá nhu cầu quản lý nhà nước và không nên thể chế hóa thành quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Thực tế, DN Việt khi đặt hàng gia công ở nước ngoài cũng cung cấp MSMV của mình cho DN nước ngoài để họ in lên bao bì hàng hóa. Pháp luật Việt Nam và các nước không yêu cầu phải có giấy ủy quyền. MSMV chỉ có 20 ký tự, đang trở nên lạc hậu trước sự phổ biến của QR Code.

Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng quy định về xác nhận MSMV. Về lâu dài phải điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 74/2018 theo hướng bỏ quy định về MSMV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm