Ấy là câu chuyện cả đoàn xe biển xanh nối đuôi đi vào con phố chật hẹp vốn chỉ dành cho người đi bộ ở đất du lịch Hội An.
Trong những việc như vầy, địa chỉ bắt lỗi phải là đơn vị tổ chức sự kiện - trong trường hợp này là tỉnh Quảng Nam chứ không phải người đứng đầu Chính phủ. Thế nhưng lời xin lỗi của Thủ tướng vẫn được dư luận mong chờ, khi mà ngay từ đầu, những hình ảnh trên mạng xã hội đã gắn với lời bình: Đoàn xe của Thủ tướng.
Dư luận mong chờ còn bởi những lời xin lỗi như vậy lâu nay còn khá hiếm hoi. Và sự mở lời đầy chân thành của người đứng đầu Chính phủ khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong sự vụ trên đã tạo ra một cách nhìn đầy tích cực. Nhất là trong bối cảnh hàng loạt vụ việc gây bức xúc dư luận đang đợi lời xin lỗi từ chính những người có trách nhiệm.
Đó là sự cố môi trường Formosa đang gây thiệt hại lâu dài cả về vật chất, tinh thần cho hàng triệu người dân ven biển bốn tỉnh miền Trung. Rất nhiều câu hỏi trách nhiệm đã được đặt ra cho những người tham gia vào quá trình thẩm định, cấp phép cho dự án. Thế nhưng trước công luận câu trả lời của các lãnh đạo địa phương có trách nhiệm trong sự vụ này thường là vòng vo, né tránh. Người dân vẫn chưa thấy lời xin lỗi được đưa ra. Hay như chuyện các công ty làm ăn thua lỗ, chuyện các dự án khổng lồ “nuốt” cả ngàn tỉ đồng từ tiền thuế của dân rồi đắp chiếu nằm đó cũng thế. Chưa thấy một lời xin lỗi nào được thốt lên từ các địa chỉ có trách nhiệm.
Và còn đây đó không ít những chuyện chướng tai gai mắt như vậy mà việc giải quyết, sửa chữa, khắc phục trong lâu dài, ắt đòi hỏi một áp lực từ một xã hội mà văn hóa xin lỗi là bộ phận cốt lõi.
Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn rằng: “Muốn người ta theo mình phải làm gương trước”. Với hành xử đẹp này, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm gương, khơi dậy văn hóa xin lỗi và hành động trong hệ thống hành chính công vụ. Hy vọng rồi đây khí thế ấy sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, phục hồi niềm tin từ nhân dân - cốt lõi của sức mạnh quốc gia, của thể chế.