Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, tính đến ngày 6-12, chỉ có 29,82% phụ huynh lớp 1 đồng ý cho con đến trường học trực tiếp từ ngày 13-12 theo quyết định của UBND TP. Có những trường chỉ có 8-10 phụ huynh chấp thuận cho con đi học trực tiếp. Điều này khiến nhiều trường “tiến thoái lưỡng nan” trong việc lên kế hoạch dạy học.
Ít trẻ đi học, trường vẫn chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất
Để đón học sinh đi học trở lại, trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1, quận Bình Tân đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến phụ huynh học sinh. Trong tổng số 169 em, chỉ có 56 em, gia đình đồng ý cho đi học tập trung.
Học sinh lớp 1 trong giờ học trực tuyến. Ảnh: NQ
Dù số lượng học sinh đến trường rất ít nhưng trường vẫn triển khai các phương án để đảm bảo an toàn cho các em khi đi học trở lại. Nhà trường thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, hình thành tổ an toàn COVID cũng như chú ý công tác tự đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí an toàn trong cơ sở giáo dục. Việc vệ sinh, khử khuẩn phòng học được trường chú trọng thực hiện.
Tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, do lo ngại tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, lại xuất hiện biến chủng mới nên tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đến trường khá thấp.
Tuy nhiên, bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Sở. “Chúng tôi sẽ xem 2 tuần dạy thí điểm là 2 tuần lễ vàng để nhà trường có cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế, lường trước các tình huống, từ đó rút ra những gì đã làm được, những gì cần phải khắc phục để sắp tới đón toàn bộ các em trở lại khi tình hình cho phép”, bà Chi nhấn mạnh.
Việc vệ sinh trường lớp được thực hiện thường xuyên. Nhà trường đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật đảm bảo trẻ đến trường an toàn. Trường bố trí 2 phòng học ở tầng trệt, đảm bảo giãn cách, mỗi phòng sẽ có một nhà vệ sinh riêng. Nhà trường cũng trang bị hệ thống máy rửa tay, sát khuẩn, đo thân nhiệt tự động để các em sử dụng.
Ngày đầu tiên đến trường, để tạo không khí, trường sẽ bố trí những nhân vật hoạt hình để chào các con và trao cho các bé phần quà nho nhỏ nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối tuân thủ 5K. Học sinh sẽ được phân luồng đi vào trường, đảm bảo quy trình 1 chiều.
Tổ chức dạy sao cho phù hợp?
Học sinh đăng ký đi học quá ít khiến các trường đau đầu trong việc tổ chức dạy sao cho phù hợp.
Tại trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1, sau khi ban giám hiệu họp với giáo viên đã thống nhất trong quá trình giáo viên dạy trực tiếp ở trường, phòng học sẽ trang bị camera, đường truyền để các em ở nhà vẫn có thể theo dõi, cùng học online. Bởi nếu để giáo viên vừa dạy trực tiếp, vừa dạy online sẽ rất vất vả.
Tương tự, để giảm áp lực cho giáo viên, sau khi họp, thống nhất với giáo viên chủ nhiệm các lớp, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ bố trí 2 giáo viên đảm nhận việc dạy học trực tiếp, các giáo viên còn lại sẽ phụ trách việc dạy trực tuyến.
“Tôi hy vọng sau 2 tuần thực hiện thí điểm, phụ huynh sẽ an tâm và cho các con đi học nhiều hơn”, bà Chi nói thêm.
Ở trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp, gần 300 học sinh lớp 1 nhưng chỉ có 50 học sinh được gia đình đồng ý cho tới trường. Hiện nhà trường lên phương án sắp xếp thành 6 lớp học. Tuy nhiên, bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường không lạc quan rằng tất cả những em này sẽ đi học đầy đủ vào những ngày đầu.
“Qua khảo sát họ đồng ý cho con đến trường nhưng chưa chắc đã cho con đi học trong những ngày đầu. Vì thế, dựa trên số lượng hoc sinh đi học trong ngày 13-12, nhà trường sẽ xem xét, nếu ít quá trường sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên để tổ chức dạy sao cho phù hợp”, bà Phượng nói.
Trong khi đó, với kết quả khảo sát chỉ có 42 học sinh đi học trở lại, Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại Củ Chi cho rằng việc tổ chức học trực tiếp vào thời điểm này là chưa phù hợp.
“Hiện dịch đang diễn biến phức tạp, trẻ lớp 1 đã quen dần với việc học trực tuyến. Hơn nữa, học online các con sẽ an toàn hơn. Nếu học trực tiếp, với học sinh lớp 1 giáo viên sẽ phải cầm tay chỉ việc như vậy thì việc lây nhiễm sẽ không tránh khỏi. Nếu giáo viên bị nhiễm sẽ gây khó khăn cho trường trong việc bố trí nhân sự. Bởi với lớp 1 chỉ những giáo viên nào được tập huấn chương trình mới đạt yếu cầu có thể đứng lớp. Do đó, tôi nghĩ nên để các em tiếp tục học trực tuyến đến hết học kỳ I. Việc học trực tiếp chỉ nên thực hiện khi dịch đã được kiểm soát và nhận được sự đồng thuận cao từ phụ huynh”, vị này bày tỏ.
Đề xuất trẻ lớp 1, trẻ 5 tuổi chưa học trực tiếp Chiều 7-12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói, so với các năm trước thì năm nay các em học sinh lớp 1 có thiệt thòi là chưa được đến trường bao giờ. Vì thế trong kế hoạch tham mưu cho UBND TP, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn 3 khối lớp 1, 9 và 12 thí điểm đi học trực tiếp. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến, khối lớp 9 và lớp 12 nhận được sự đồng thuận cao trong khi ở lớp 1, tỉ lệ lại rất thấp. Do đó, Sở GD&ĐT đã có kế hoạch trình UBND TP xem xét chưa cho học sinh lớp 5 tuổi và lớp 1 đi học trực tiếp trở lại như kế hoạch trước đó. Trao đổi bên hành lang kỳ họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết định hướng của TP hiện nay là sẽ thí điểm đi học trực tiếp với lớp 9, lớp 12. Trước đó, sáng cùng ngày, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết qua khảo sát ý kiến về việc đi học lại của học sinh lớp 1, nhiều gia đình không đồng ý cho con đến trường. "Các gia đình thấy không yên tâm thì phải tôn trọng ý kiến phụ huynh, không cần gượng ép. Sáng nay tôi đã hội ý với các lãnh đạo TP và có ý kiến cần phải trì hoãn kế hoạch này, bởi không ai bắt buộc mình phải thực hiện. Mặc dù kế hoạch TP đưa ra là vậy nhưng tình hình đang diễn biến không như mong muốn thì nên trì hoãn. Tôi đã bàn với Chủ tịch Phan Văn Mãi. Nếu như phụ huynh không yên tâm thì TP phải trì hoãn kế hoạch lạị"- ông Nên nói. (PLO)- Tình hình dịch COVID-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng về thu nhập, việc làm và đời sống của người dân, do đó UBND TP.HCM quyết định tiếp tục miễn giảm học phí kỳ II, kể cả các trường ngoài công lập. |