Ít xe công, nhiều lợi ích

Xét từ tính hữu ích cho xã hội, chính sách, pháp luật, công lý, an ninh, quốc phòng, trật tự… đều là những hàng hóa công. Và chúng đều có thể đắt hoặc rẻ, chất lượng cao hoặc thấp. Ở ta chất lượng của hàng hóa công chưa biết thế nào, thế nhưng sự đắt đỏ của chúng thì có vẻ là điều dễ đoán.

Cụ thể, số lượng xe công của ta lớn hơn rất nhiều so với các nước khác. (Ví dụ: Quốc hội nước ta có gần cả trăm xe chạy chuyên trách. Trong lúc đó Quốc hội Thụy Điển chỉ có một xe duy nhất phục vụ chủ tịch Quốc hội). Hiện nay, cả nước có đến hơn 34.000 xe công, chưa kể xe của các đơn vị vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước. Và chi phí để nuôi những xe công nói trên mỗi năm ước tính khoảng 12.800 tỉ đồng. Với một đất nước có thu nhập bình quân đầu người trên dưới 48 triệu đồng thì đây là một khoản chi tiêu khổng lồ.

Thoạt nhìn chúng ta thấy các hàng hóa công nói trên thường được chi trả từ tiền ngân sách. Thế nhưng người chi trả cuối cùng và chính thức bao giờ cũng là nhân dân. Nếu những hàng hóa công này đắt đỏ thì tất nhiên người dân sẽ phải oằn lưng ra trả. Từ trước đến nay chỉ có các doanh nghiệp được kêu gọi phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, bây giờ đã đến lúc cơ quan công quyền cũng cần phải làm như vậy.

Cắt giảm xe công không chỉ làm cho nền công vụ bớt đắt đỏ mà còn làm cho tài sản và nhân lực quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn. Cứ nghĩ mà xem 40.000 chiếc xe mà đa số chủ yếu chỉ để sáng chở các thủ trưởng đi, chiều chở các thủ trưởng về. Thời gian còn lại chỉ để không nằm chờ sẽ lãng phí biết chừng nào?! Lãng phí là cả nguồn nhân lực lái xe. Về cơ bản họ chỉ làm việc mỗi ngày 2-3 giờ, 5-6 giờ còn lại ngồi dài mặt chờ thủ trưởng.

Cắt giảm xe công trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay ít ảnh hưởng đến việc giao lưu, họp hành, tương tác. Nghĩa là ít ảnh hưởng đến công việc. Với Internet, Wi-Fi, 3G-4G, công nghệ giao lưu trực tuyến, các thủ trưởng có thể ngồi một nơi mà liên hệ với mọi nơi, chỉ đạo công việc của mọi cấp, tham gia mọi cuộc họp… Ngắn gọn là không nhất thiết phải đi đâu cả.

Trên đây cũng là những lý do tại sao Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy rất mạnh mẽ chính sách cắt giảm xe công. Và có vẻ như Bộ Tài chính, TP Hà Nội… là những đơn vị đang đi đầu trong công việc này.

Lợi ích của việc cắt giảm xe công là quá rõ. Thế nhưng tại sao cắt giảm xe công lại khó khăn đến vậy? Lý do cơ bản có lẽ là vì đi xe công oai hơn, quyền thế hơn. Tuy nhiên, đây quả thực là những điều lạ đối với một nhà nước liêm chính và phụng sự nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới