Kết quả đàm phán Geneva: Những lằn chỉ mong manh

Khác với những kỳ vọng ban đầu, thỏa thuận này chỉ như những làn chỉ mong manh. Thứ nhất, ngoại trưởng Nga cùng với đồng sự Hoa Kỳ, Ukraine và Liên hiệp châu Âu đồng ý các biện pháp giải giới các toán võ trang “bất hợp pháp” tại các vùng lãnh thổ Ukraine nhưng không có một lịch trình thi hành cụ thể. Hơn nữa không có một văn bản nào được ký kết, khiến thủ tướng tạm quyền Ukraine thốt lên trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN: “Tôi không có một kỳ vọng nào quá mức từ thỏa thuận trên”. tình hình đang nóng hơn bao giờ hết với một loạt vùng tự trị cũng lên tiếng đòi ly khai. Ngay sau khi hội nghị Geneva kết thúc, nhóm ly khai ủng hộ Nga ở Donetsk nói sẽ không rời các tòa nhà công quyền ở đây và nhấn mạnh không chấp nhận chính quyền Kiev.

Những căng thẳng từ biên giới

Khoảng 50.000 quân Nga cùng với các đơn vị pháo binh, hậu cần, quân y đang được triển khai áp sát biên giới Ukraine. Lực lượng trên được Moscow bố trí tại Klimovo, L’gov, Belgorod và có thể là Polessya. Điều này tạo ra một áp lực đáng kể, buộc Ukraine phải duy trì một lực lượng đáng kể tại các khu vực gần biên giới Nga. Trong khi đó, khả năng cơ động của quân đội Ukraine thật sự hạn chế, trang bị nghèo nàn. Việc mở rộng triển khai đến miền Đông cũng bị giới hạn.

Trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này không có ý định bắt đầu một cuộc chiến tranh với Ukraine. Tuy nhiên, dưới sự chấp thuận của Duma Quốc gia, Moscow sẽ can thiệp nếu lợi ích quốc gia của Nga bị đe dọa. Các lợi ích này, theo Tổng thống Putin, gồm cả cộng đồng những người Ukraine nói tiếng Nga. Sự kêu gọi từ “những đồng bào” thân Nga tại Ukraine có thể được Nga trả lời.

Bốn kịch bản quân sự

Trong bối cảnh chính quyền Kiev bắt đầu triển khai quân đến các tỉnh miền Đông, bốn kịch bản quân sự đã được vạch ra. Kịch bản này cho rằng quân đội, mà trực tiếp là lực lượng Nga, đã được triển khai sát biên giới Ukraine sẽ giữ nguyên hiện trạng mà không tiến hành thêm bất kỳ hành động nào. Hành động triển khai quân nhằm buộc Ukraine và các cường quốc khác phải chấp nhận việc Nga sáp nhập vùng Crimea, nếu không sẽ phải đối mặt với những điều tồi tệ hơn. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Bộ Nội vụ và quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng chiến đấu, bình định dân cư tại những vùng chiếm được.

 
Hai ngoại trưởng Nga và Mỹ thảo luận vấn đề Ukraine.

Trong kịch bản thứ hai, Nga sẽ bí mật hỗ trợ hay thậm chí gây ra tình trạng bất ổn dân sự tại khu vực Đông Nam Ukraine. Đây sẽ là cái cớ cho việc Nga đưa quân vào Ukraine qua Donetsk, Zaporizhia và Kherson để mở rộng “hành lang an toàn”. Kiev sẽ phải tiếp tục trả giá khi một phần lãnh thổ nữa được Nga sáp nhập một cách bất hợp pháp.

Kịch bản thứ ba vẽ ra viễn cảnh Ukraine bị chia cắt. Tình trạng bất ổn và bạo lực tại Đông Nam Ukraine, dù là sự thật hay được dàn dựng, kích động, có thể gây ra tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Song song với đó là nguy cơ đất nước Ukraine bị chia làm hai, phía nam và đông sông Dnepr. Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào 25-5, rõ ràng nếu có một cuộc bầu cử ảo cho chức “tổng thống Đông Nam Ukraine” sẽ châm ngòi cho những căng thẳng dân sự dẫn đến việc chia cắt đất nước Ukraine.

Kịch bản thứ tư cho rằng Nga sẽ xây dựng một hành lang phía Tây, kéo dài từ Transnistria (Moldova) đến Crimea, xuyên qua Odessa và Mykolaiv Oblasts. Dù có vẻ hành lang phía tây sẽ yếu hơn hành lang phía Đông nhưng sẽ gắn kết các cộng đồng Nga thiểu số thành một hành lang liên tục từ Transnistria hướng về nước Nga. Cộng đồng nói tiếng Nga sẽ là một con bài mặc cả quan trọng. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ phát huy tác dụng nếu Nga thực hiện được việc chia Ukraine thành Nam và Đông Nam, đồng thời sáp nhập hoặc kiểm soát nó, song song với chính quyền Kiev ở phía Tây.

Vòng cung lãnh thổ mới của Nga là thách thức cho trật tự châu Âu. Một quốc gia châu Âu độc lập - Moldova, sẽ bị mất một phần lãnh thổ, trong khi đó bạo lực sẽ ảnh hưởng đến một quốc gia thành viên NATO là Romania. Kịch bản này vẽ ra một khởi đầu hoàn toàn mới cho trật tự châu Âu về chính trị, an ninh. Mức độ của nó sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đã từng được biết đến trong Chiến tranh lạnh trước đó.

Mỹ-EU có thể làm gì?

Sự can thiệp của NATO là rất khó xảy ra. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước những diễn biến gần đây tại Ukraine, đồng thời gọi đó là “thách thức an ninh lớn nhất đối với châu Âu trong một thế hệ” và cảnh báo “một hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, NATO cần phải nói chuyện một cách cẩn trọng, đặc biệt sau thất bại trong nỗ lực ngăn cản Nga sáp nhập Crimea. Các thành viên phía đông của NATO, đặc biệt là ba nước Baltic, cần được sự đảm bảo và trấn an. Hiện NATO đã ngừng mọi quan hệ hợp tác với Nga nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ phát động một cuộc chiến tranh chống lại Moscow.

Thứ hai, Mỹ và EU sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Điều này là hoàn toàn có khả năng. Washington đã tuyên bố rõ sẽ tiếp tục thực hiện các bước trừng phạt tiếp theo nếu các hoạt động quân sự thân Nga tiếp diễn tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ EU đã có sự chia rẽ bởi các mối quan hệ riêng lẻ giữa các nước thành viên với Moscow. Đức phụ thuộc Nga về khí đốt; Pháp có hợp đồng quân sự nhiều tỉ USD với Nga; nền tài chính của Anh nằm dưới áp lực đầu tư to lớn của Moscow.

Estonia, Latvia và Lithuania đã từng là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Đặc biệt với những cộng đồng nói tiếng Nga rộng lớn, Estonia và Latvia thật sự có lý do để lo lắng khi chứng kiến những gì đã diễn ra tại Crimea. Séc, Slovakia, Hungary - những vệ tinh của Liên Xô cũ.

Tựu chung lại, vị trí của châu Âu đối với Nga chỉ được quyết định bởi bốn nước: Anh, Pháp, Đức và Ba Lan. Trong số bốn nước, Đức là quốc gia có ảnh hưởng đáng kể nhất, giữ vai trò quyết định trong quan hệ Nga - EU. Cắt đứt quan hệ với Đức đồng nghĩa với việc Nga chấm dứt mọi mối liên hệ với phương Tây. Nước Nga chủ yếu dựa vào các lợi ích từ nguồn tài nguyên hữu hạn của mình. Dưới thời cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev, quan hệ Nga - Đức được đẩy mạnh nhưng sau khi Putin trở lại, đã có dấu hiệu trì hoãn. Không phải ông Putin không thấy được vị trí và giá trị của nước Đức đối với Nga. Việc đe dọa đóng băng xuất khẩu khí đốt sang Đức, một hành động mạnh tay, có thể làm tổn thương vĩnh viễn uy tín thương mại của Nga, ảnh hưởng đến xương sống của nền kinh tế. Hơn nữa, một động thái như vậy sẽ làm tăng sức hút của Iran đến châu Âu, biến nước này trở thành đối thủ cạnh tranh không mong muốn của Nga.

HÀNG DUY LINH (Irys)

 

Châu Âu sẽ phải đối mặt với hai bài kiểm tra mang tính chiến lược

- Thứ nhất là mối quan tâm về năng lượng. Nỗ lực giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga của châu Âu đã không đem lại được bất kỳ kết quả đáng kể nào, mặc dù vị trí của châu Âu hiện nay đã tốt hơn so với các năm trước. Cách duy nhất để có được những tiến bộ là tìm các nguồn tài nguyên thay thế và xây dựng một thị trường năng lượng thống nhất.

- Bài kiểm tra thứ hai chính là an ninh. Châu Âu cần một học thuyết thống nhất cao hơn Chiến lược an ninh châu Âu hiện tại. Được soạn thảo vào năm 2003, Chiến lược an ninh châu Âu đã không tính đến các nguy cơ năng lượng từ Nga một cách nghiêm túc. Đó là lý do dù đưa ra nhiều lời đe dọa trừng phạt nhưng có lẽ nếu khởi đầu EU sẽ là người trước tiên “lấy đá chặn chân mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm