Kết quả kiểm định và phương án sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình kết quả kiểm định và phương án sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1.Về kết quả kiểm định có 2 phần: hiện trạng tượng đài và ổn định tổng thể công trình.

Về hiện trạng tượng đài chia làm bốn phần: phần móng, phần bệ tượng, thân tượng, chi tiết liên kết thân tượng.

Phần móng: theo số liệu khảo sát, nhận thấy bên dưới công trình tồn tại bản bê tông dày 200 mm đến 250 mm ở độ sâu -0,8 m so với mặt nền hiện hữu, khả năng kết cấu móng chưa bị xâm thực của môi trường.

Phần bệ tượng: tại thời điểm khảo sát, phần bệ tượng có trạng thái mặt ngoài bình thường, bề mặt chưa xuất hiện các biểu hiện hư hỏng như nứt, bong tróc bê tông bảo vệ. Vật liệu bê tông của khung bệ đỡ tượng khi khoan lấy mẫu có bề mặt đặc chắc, kết quả thí nghiệm với chất chỉ thị màu cho thấy hầu hết mẫu bê tông đã bị cacbonat hóa nhưng chiều sâu chưa vượt qua lớp bê tông bảo vệ cốt thép, cốt thép khung chưa bị rỉ mòn.

Phần thân tượng: tại thời điểm khảo sát, phần thân tượng là rỗng, bề mặt xuất hiện nhiều vết nứt, bề rộng vết nứt điển hình đo được từ 0,15 mm đến 3 mm chiều sâu vết nứt vào hết lớp bê tông bọc tượng.

Lớp vữa trát bên ngoài thân tượng có bề mặt bị phong hóa, nứt nhiều vị trí, cường độ vữa đảm bảo làm vật liệu bao che, tuy nhiên độ bám dính giữa lớp vữa trát và bê tông bên trong không đảm bảo.

Bê tông của tượng khi khoan lấy mẫu có bề mặt đặc chắc nhưng bị nứt nhiều vị trí, kết quả thí nghiệm với chất chỉ thị màu cho thấy hầu hết mẫu bê tông đã bị cacbonat hóa với chiều sâu xấp xỉ 50% chiều dày lớp bê tông; thép tấm bên trong thân tượng đã bị rỉ mòn.

Về chi tiết liên kết chân tượng có phần chân trước, chân sau và bệ đỡ. Phần chân trước (gần đường Tôn Đức Thắng, hướng ra sông Sài Gòn): do đặc điểm tạo hình, phần chân này cách bề mặt sàn bệ đỡ một khoảng 300 mm, bàn chân bằng bê tông cốt thép toàn khối liên kết vào sàn bằng thanh thép tròn trơn đường kính 48 mm và được tăng cường bằng 3 thanh thép V50x6mm (chụm lại thành hình tam giác đều). Các thanh thép này có trạng thái mặt ngoài đã bị rỉ sét toàn bộ bề mặt.

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh.

Phần chân sau: được đặt trực tiếp lên sàn bệ đỡ. Do chân tượng là bê tông toàn khối, đồng thời bề mặt chân tượng và sàn bệ đỡ không bằng phẳng nên không thể kiểm tra được chi tiết liên kết. Tuy nhiên, đơn vị kiểm định suy đoán phần chân sau cũng liên kết với sàn bệ đỡ bằng thép tương tự chân trước, theo nhận định từ trạng thái bê tông bề mặt, khả năng liên kết này chưa bị oxy hóa.

Sàn bệ đỡ: sàn bệ đỡ bằng bê tông cốt thép toàn khối dày khoảng 250 mm, bên trên là lớp vữa tạo dốc dày 50mm. Sàn bệ đỡ có trạng thái mặt ngoài bị cũ, lớp vữa tạo dốc bề mặt bị phong hóa bởi thời tiết và môi trường. Bê tông sàn không đảm bảo mác M200, thép sàn đã bị rỉ sét.

Về tính ổn định tổng thể công trình: tổng thể công trình đang ở trạng thái ổn định dưới tác dụng của tải trọng hiện hữu (giá trị nghiêng lệch nằm trong giới hạn cho phép và chưa bị đánh giá nguy hiểm theo tiêu chuẩn TCVN 9381:2012).

Căn cứ chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, các đơn vị thống nhất sẽ thực hiện sửa chữa theo nguyên tắc không làm thay đổi đặc điểm tạo hình, màu sắc của bệ tượng và thân tượng.

Do đó, Sở Xây dựng TP đề xuất phương án sửa chữa thống nhất theo kiến nghị của đơn vị kiểm định, ngoại trừ sẽ không thực hiện việc "đục bỏ lớp vữa trát hiện hữu” (do sẽ làm thay đổi tạo hình tượng)
Cụ thể đối với thân tượng: Bơm xử lý các vết nứt bê tông; trám trét, xử lý các vị trí nứt của lớp vữa trát bên ngoài, quét chống thấm và sơn bảo vệ tượng theo màu sắc cũ.
Vị trí liên kết chân trước của tượng và sàn bệ đỡ: xử lý gỉ sét của các thanh thép liên kết, bổ sung thép liên kết (nếu cần), đổ bê tông đặc phần rỗng giữa bàn chân và mặt sàn bệ đỡ để bảo vệ các thanh thép liên kết không bị oxy hóa.

Đối với bệ tượng: Thay mới toàn bộ lớp đá ốp bề mặt đã bị bong tróc có nguy cơ rơi, vỡ bằng loại đá cùng chủng loại và màu sắc (sẽ sử dụng các liên kết bằng inox giữa đá ốp và thành bệ tượng để bảo đảm bền vững). Xử lý chống thấm và bảo vệ bề mặt tường bao và khung bệ đỡ.

Các bức phù điểu bằng xi măng đang gắn trên bệ tượng (6 bức): đã bị nứt, không đảm bảo để tiếp tục duy trì, sẽ thực hiện phục chế để đảm bảo bền vững, thẩm mỹ với màu sắc tương đồng như cũ. Về hệ thống điện và đèn chiếu sáng: thay mới toàn bộ hệ thống dây dẫn và đèn chiếu sáng cho tượng đài.

Để thực hiện phương án sửa chữa như trên, Sở Xây dựng TP kiến nghị giao UBND quận 1 chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận 1 lập dự án tu bổ tượng đài Trần Hưng Đạo kết hợp chỉnh trang Công trường Mê Linh theo quy định, căn cứ phương án sửa chữa nêu trên và đề xuất của UBND quận 1 trước đó.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP giao Sở Văn hóa và Thể thao TP chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận 1 và các đơn vị liên quan trong quá trình lập thiết kế, thi công sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo, đảm bảo yêu cầu chất lượng, thẩm mỹ.

Được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép, tượng đài Trần Hưng Đạo đặt tại công trường Mê Linh, quận 1 đang xuống cấp.

Tượng cao 4 m được đặt trên bệ ba cạnh cao 12 m, ốp đá màu nâu, 3 mặt đế tượng có 6 mảng phù điêu diễn tả các trận tiêu diệt giặc ngoại xâm. Tháng 2-2019, quận 1 cho trang trí lại khu vực tượng đài Hưng Đạo Vương, đồng thời dời lư hương trước tượng đài về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm