Ngày 19-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên sửa án sơ thẩm phần dân sự vụ bà Chu Thị Bình bị các nhân viên Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) làm “bốc hơi” 245 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM vào tháng 11-2018, Lê Nguyễn Hưng (phó giám đốc Eximbank TP.HCM) lập tài khoản giả mạo, giấy ủy quyền giả với nội dung: Bà Bình ủy quyền cho hai người khác rút tiền tiết kiệm. Khi xét duyệt, làm hồ sơ rút tiền, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng trình tự, quy chế nên Hưng rút hơn 264 tỉ đồng từ 13 tài khoản tiết kiệm của ba khách hàng (riêng bà Bình là 11 sổ trị giá hơn 245 tỉ đồng).
Theo tòa sơ thẩm, Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng do đã bỏ trốn nên đình chỉ điều tra, ra quyết định truy nã. Từ đó tòa tuyên Eximbank có trách nhiệm tất toán 245 tỉ đồng cùng lãi phát sinh là 103 tỉ đồng cho bà Bình. Về trách nhiệm hình sự, HĐXX phạt sáu bị cáo là nhân viên của Eximbank về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bà chu thị Bình trình bày tại phiên phúc thẩm. Ảnh: HY
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị án có đơn xin xét xử vắng mặt và giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm. Phần tranh luận, đại diện Eximbank cho rằng ông Hưng lừa đảo, lợi dụng giấy ủy quyền để rút tiền của ngân hàng và ngân hàng khẳng định không trốn tránh trách nhiệm.
Luật sư bảo vệ cho bà Bình đồng ý với VKS rằng ngân hàng phải có trách nhiệm khi tiền khách hàng bị mất. Ông Hưng là phó giám đốc ngân hàng, bà Bình chỉ là một trong những khách hàng và bị Hưng dẫn dụ lừa đảo. Ngoài ra, yêu cầu kháng cáo của ngân hàng là không rõ liên quan đến trách nhiệm của bà Bình. Cáo trạng kết luận rõ việc bà Bình ký ủy quyền không phải là nguyên nhân khiến ngân hàng thiệt hại. Giấy ủy quyền không phải do bà Bình ký mà là giả mạo như cáo trạng đã kết luận.
Bà Bình trình bày thêm, từ khi vụ việc xảy ra bà tốn nhiều thời gian, tinh thần sa sút gây ảnh hưởng đến những hoạt động kinh doanh khác do bà đảm đương. Vì vậy, bà yêu cầu Eximbank công khai xin lỗi tại tòa và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với khách hàng theo phán quyết của tòa án.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng buộc ngân hàng trả lại số tiền tiết kiệm cho bà Bình. Về khoản lãi 16 tỉ đồng phạt quá hạn bà Bình yêu cầu, VKS đề nghị không chấp nhận vì bà Bình cũng có trách nhiệm khi ký giấy cho Hưng.
Cuối cùng HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà Bình buộc Eximbank TP.HCM trả bà Bình tiền lãi phát sinh tới nay là hơn 115,4 tỉ đồng. HĐXX cũng cho rằng ngân hàng áp dụng cách tính lãi không kỳ hạn đối với ba sổ tiết kiệm đứng tên bà Bình là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trước phiên tòa sơ thẩm, Eximbank TP.HCM đã tất toán cho bà Bình ba sổ tiết kiệm và chỉ giữ lại lãi phát sinh. Về yêu cầu xem xét trách nhiệm lãnh đạo ngân hàng, HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm trước đó không xem xét nên cấp phúc thẩm không có thẩm quyền giải quyết.
Rút hết 245 tỉ sau khi Eximbank kháng cáo Sau phiên xử sơ thẩm, Eximbank kháng cáo một phần bản án, đề nghị xem xét lỗi và một phần trách nhiệm của bà Bình vì đã ký khống trong một số giấy tờ, tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền. Biết Eximbank kháng cáo, bà Bình đã rút toàn bộ 245 tỉ đồng tiền gốc tại đây và kháng cáo yêu cầu Eximbank tất toán 103 tỉ đồng (tiền lãi ba sổ tiết kiệm) theo bản án sơ thẩm, 16 tỉ đồng tiền phạt chậm trả lãi. Bà Bình cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của tổng giám đốc, ban quản lý Eximbank TP.HCM. |