Khắc phục công nghệ thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường

(PLO)- Theo đơn vị thu phí, phần mềm MyParking chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi Viettel lại cho rằng phần mềm này vẫn hoạt động ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong động thái mới nhất, đơn vị thu phí giữ xe dưới lòng đường ở TP.HCM là Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên Xung phong (viết tắt là Công ty TNXP) đã có văn bản kiến nghị UBND TP về việc ứng dụng thu phí đỗ xe dưới lòng đường bằng giải pháp ETC (thu phí tự động không dừng) thay cho MyParking.

Bốn lỗi của công nghệ hiện nay

“Hiện tại, phần mềm MyParking vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng so với thực tế. Khi người dân đến đỗ xe và cài đặt qua app đã xảy ra nhiều lỗi thao tác, mất nhiều thời gian…” - văn bản của Công ty TNXP gửi UBND TP cuối tháng 10 nêu rõ.

Nhân viên Công ty TNXP hướng dẫn chủ xe cài app để sử dụng dịch vụ thu phí đỗ ô tô dưới lòng được. Ảnh: ĐL

Nhân viên Công ty TNXP hướng dẫn chủ xe cài app để sử dụng dịch vụ thu phí đỗ ô tô dưới lòng được. Ảnh: ĐL

Theo công ty này, app MyParking gây phiền hà, khó chịu cho người sử dụng; còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của chủ phương tiện; công tác nhân viên thu phí gặp nhiều khó khăn do kết nối hệ thống 3G/4G. Ngoài ra, Công ty TNXP cho biết có bốn lỗi tồn tại của việc thu phí qua MyParking trong thời gian qua.

Thứ nhất, ứng dụng bị lỗi định vị không tìm thấy bãi đỗ, đăng ký tài khoản mới không nhận được mã OTP. Các phương thức thanh toán bằng ví điện tử đã có bổ sung để chủ phương tiện lựa chọn thanh toán nhưng nhiều chủ phương tiện không liên kết được ví điện tử, ATM, MasterCard... và xảy ra lỗi trong quá trình thanh toán.

Thứ hai, nhiều chủ phương tiện cố tình gây khó dễ để không thực hiện thanh toán qua ứng dụng MyParking. Họ đưa ra nhiều lý do như thời gian cài đặt ứng dụng lâu, điện thoại thông minh có cấu hình thấp hoặc không sử dụng điện thoại thông minh; máy không có kết nối 3G/4G, không sử dụng các hình thức thanh toán như Momo, ZaloPay, ViettelPay…

Thứ ba, đơn vị phát triển MyParking là Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (viết tắt là Viettel) chậm khắc phục các lỗi hệ thống phần mềm dẫn đến khó khăn trong cài đặt app.

Thứ tư: Trang thiết bị hỗ trợ công tác thu phí phụ thuộc vào điện thoại cá nhân của nhân viên thu phí và ứng dụng về quy trình thao tác của nhân viên khi có xe vào đỗ còn rườm rà, qua nhiều bước thực hiện.

Các bước thanh toán phí giữ xe dưới lòng đường hiện nay: Bước 1, nhân viên chủ động di chuyển và quan sát tuyến đường đảm trách; bước 2, tiếp cận phương tiện; bước 3, hướng dẫn đăng ký, đặt app đặt chỗ và thanh toán đặt chỗ đỗ xe; bước 4, in hóa đơn.

Chờ quyết định của TP

Về phía Viettel, đơn vị này khẳng định phần mềm MyParking hoạt động ổn định. “Việc trao đổi là vấn đề giữa các bên, còn chúng tôi vẫn chờ quyết định của TP, UBND TP.HCM quyết định thế nào thì các đơn vị thực hiện theo như vậy” - đại diện truyền thông của Tập đoàn Viettel trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 2-11.

Theo đại diện truyền thông của Tập đoàn Viettel, chắc chắn không thể có việc 100% là không có lỗi nhưng tỉ lệ của người dùng phản ánh về app rất nhỏ.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Tuyến, Giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, cũng khẳng định tỉ lệ phản ánh trên số lượt đặt chỗ ứng dụng hằng tháng nằm dưới mức cho phép (cho đến tháng 8, con số này chỉ khoảng 1,46%).

“Ứng dụng vẫn hoạt động ổn định. Việc triển khai một ứng dụng cần quá trình, gồm cả các quy chế, vận hành của cơ quan quản lý, đến việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dùng” - ông Tuyến nhận xét.

Về giải pháp dùng ETC thay thế ứng dụng MyParking, Công ty TNXP đánh giá có nhiều ưu điểm hơn. Theo đó, với ETC, nhân viên thu phí hoạt động độc lập đối với phương tiện vào ô đỗ xe thu phí theo quy định. Ứng dụng này sẽ thao tác nhanh, thuận lợi và khấu trừ trực tiếp thông qua tài khoản trả trước của chủ phương tiện, tránh trường hợp tiếp xúc với tài xế để xảy ra tiêu cực.

Thêm nữa, hiệu quả của công tác thu phí bằng ETC cao hơn so với MyParking, tỉ lệ doanh thu sẽ tăng từ 30% đến 50%; giảm 50% nhân công và 40% chi phí thuê phần mềm MyParking hiện nay. Nhân viên cũng sẽ chủ động quét thẻ trên các xe, tránh các đối tượng tại khu vực ngăn cản ảnh hưởng đến công tác thu phí như thời gian qua.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhận định:

“Tôi nghĩ thất thoát thu phí hay không còn có yếu tố con người, còn công nghệ chỉ là một phần. Tôi cho rằng thu phí không dừng sẽ minh bạch hơn”. Theo ông Thuận, cần xác định là mục tiêu thu phí để làm gì, trích lại một phần ngân sách, hay dùng để đầu tư hạ tầng… Điều này cũng cần xem xét thêm để có hiệu quả kinh tế - xã hội.

“Mặt khác, chúng ta cần xem xét lại tính pháp lý của công tác này, bởi nghị quyết của HĐND TP.HCM (Nghị quyết 01/2018 của HĐND TP.HCM về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô) chỉ là tạm thời và thí điểm. Chúng ta cần trình đề án lại, xây dựng lại, nếu thu không dừng thì đơn vị nào, đường nào thu, mức thu bao nhiêu, tỉ lệ để lại bao nhiêu…” - ông Thuận góp ý.•

Xem xét việc thay thế MyParking bằng ETC

Xét đề nghị của Công ty TNXP về việc ứng dụng thu phí đỗ xe dưới lòng đường bằng giải pháp ETC, thay cho MyParking, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng có ý kiến chỉ đạo.

Theo đó, ông Mãi giao Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị nêu trên trước ngày 15-11. Nếu vượt thẩm quyền thì tham mưu, đề xuất trình UBND TP giải quyết kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm