Ngày 27-6, một nguồn tin cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi Sở NN&PTNT, Sở Tài chính về việc xử lý các nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) liên quan đến việc chồng lấn, cắt giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau giao cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Một góc Hòn Cau.
Theo đó, tỉnh thống nhất chủ trương giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với viện nghiên cứu chuyên ngành có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn biển tiến hành khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học các khu vực phụ cận để bổ sung vào phần diện tích đã cắt giảm.
Trước đó Sở NN&PTNT đề nghị khảo sát, điều tra đánh giá bổ sung diện tích khu vực phụ cận Khu bảo tồn biển Hòn Cau sau thời gian bảo vệ và quản lý (đã phục hồi nguồn lợi và đa dạng sinh học ổn định) vào phần diện tích giảm, đảm bảo diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau không thay đổi.
Theo Sở NN&PTNT việc thực hiện phương án này là cần thiết nhằm giải quyết việc duy trì, đảm bảo diện tích toàn bộ Khu bảo tồn biển theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết theo kiến nghị của KTNN. Đây cũng là việc tháo gỡ các vướng mắc trong việc đã giao đất, mặt nước cho các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân và trên thực tế các đơn vị này đã triển khai đầu tư.
Sở dĩ có việc phải khảo sát, khẩn trương bù diện tích lân cận cho Khu bảo tồn biển Hòn Cau là do Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp và điều chỉnh quy hoạch tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân chưa hiệu quả; đã bỏ qua những phản đối cắt hơn 500 ha. Chính việc điều chỉnh quy hoạch này đã dẫn đến việc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nằm chồng lấn đến 525 ha diện tích biển với Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Do đó tháng 9-2016, tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Bộ NN&PTNT xin điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Lý do đưa ra là do các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã nằm chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau lên đến hơn 1.000 ha.
Bình Thuận đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho giảm 1.060 ha ở các vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển trong tổng 12.500 ha của khu bảo tồn biển này, nhằm nhường lại diện tích cho các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân.
Trả lời về đề xuất này, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Diện tích 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tính toán để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và các loài quý hiếm. Do đó, việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích đến 1.060 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau.
Theo công văn của Bộ NN&PTNT, việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 742 (ngày 26-5-2010) phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2015, ít nhất có 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn và 30% trong số đó được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ mới thực hiện được khoảng 0,16% mục tiêu đó.
“Do đó, việc điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định” - công văn của Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Một góc đảo Hòn Cau, phía xa là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Với những căn cứ nêu trên, Bộ NN&PTNT dứt khoát: “Không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ TN&MT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
“Nếu kết quả tính toán có tác động tới Hòn Cau, Bộ NN&PTNT đề nghị điều chỉnh phạm vi và quy mô của dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng tổng hợp Vĩnh Tân để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển tại khu vực biển Hòn Cau” - Bộ NN&PTNT kết luận.
Mặc dù Bộ NN&PTNT đã bác đề xuất điều chỉnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tuy nhiên do đã giao mặt biển cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân nên đây được xem là giải phát duy nhất nhằm giữ lại diện tích bằng cách mở rộng ra thêm các vùng lân cận.
Được biết với cách quy hoạch “tiền trảm hậu tấu” nói trên, KTNN yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan việc phối hợp với Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Yêu cầu Bộ Công Thương kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân không có căn cứ dẫn đến chồng lấn lên diện tích Hòn Cau, báo cáo kết quả trước ngày 30-6.