Khánh Hòa: Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ

(PLO)- Vốn đầu tư công ở Khánh Hòa đang giải ngân chậm, nhiều dự án quan trọng ở TP Nha Trang trễ tiến độ, địa phương này yêu cầu kiên quyết xử lý nhà thầu thi công chậm tiến độ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết, năm 2023, tỉnh được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 7.000 tỉ đồng. Nhưng đến nay, dù chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2023 tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh này mới đạt gần 61,2% so với kế hoạch vốn được giao thực tế.

Vướng giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Khánh Hòa, đến cuối tháng 9-2023, địa phương này đề nghị Trung ương cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát hơn 172 tỉ đồng và vốn vay lại năm 2023 gần 136 tỉ đồng.

Với các dự án đầu tư công, 25 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó 5 đơn vị chưa có tỉ lệ giải ngân vốn; 15 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Trong số này, 16 dự án đầu tư vướng mắc về công tác giải phóng bồi thường, giải tỏa, thủ tục đầu tư.

chậm tiến độ.jpg
Công trình dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang chậm tiến độ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đáng chú ý có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Ngọc Hiệp (TP Nha Trang) quy mô 13,45 ha, vốn đầu tư 162 tỉ đồng triển khai từ năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành, người dân đã gửi đơn thư khiếu kiện lên các cấp.

Hay như dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang với vốn đầu tư 760 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Đây là dự án môi trường quan trọng tại TP Nha Trang, có mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cái Nha Trang vào mùa khô, bảo đảm mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 người dân... Tuy nhiên, đến nay dự án chưa thể về đích vì nhiều lý do.

Một dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ nhiều năm nay và UBND tỉnh Khánh Hòa liên tục phải giải trình các vướng mắc là dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang).

Dự án này có 4 hợp phần nhằm mở rộng hạ tầng vệ sinh, cải thiện kết nối đô thị, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bắc Nha Trang… với tổng vốn đầu tư lên đến 72 triệu USD, nhưng đến nay vẫn chưa thể về đích.

Hậu quả, khu vực phía Bắc Nha Trang liên tục hứng chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa về. Mới đây, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa phải rà soát, điều chỉnh và phê duyệt lại đối với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Đồng thời, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại của người dân và đề xuất hủy bỏ các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 của dự án.

Kiến nghị báo cáo đến khi xử lý dứt điểm

Ở nhóm dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh Khánh Hòa còn hàng chục dự án chậm tiến độ, trong đó có nhiều dự án chậm cả chục năm. Đơn cử, dự án khu đô thị Hoàng Long (phường Phước Long, TP Nha Trang). Dự án này triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay chỉ mới giải phóng mặt bằng gần 20 ha và chậm tiến độ nhiều năm khiến cuộc sống hàng trăm người dân ở trong vùng dự án khó khăn.

chậm tiến độ.jpg
Dự án nút giao thông Ngọc Hội chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Hay như dự án đường vành đai 2 (từ đường Nguyễn Tất Thành đến nhánh N2 Nút giao thông Ngọc Hội) vẫn chưa thực hiện xong công tác kiểm kê, đền bù giải tỏa. Dù dự án chưa hoàn thành, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn quyết định cho thông xe, khai thác vì tính cấp bách trong việc đi lại của người dân.

Về nguyên nhân, theo Sở KH&ĐT Khánh Hòa do tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng, thanh tra, kiểm tra, công tác lập quy hoạch...

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT lý giải về nguyên nhân khách quan do tỉnh đang lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, Nghị quyết 42 của Chính Phủ, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị... nên các dự án đang dừng lại để tránh chồng chéo về quy hoạch, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Về nguyên nhân chủ quan, theo Sở KH&ĐT Khánh Hòa dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo giải phóng mặt bằng; tuy nhiên công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án vẫn chậm, kéo dài thời gian đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Kiên quyết xử lý nhà thầu không đảm bảo tiến độ

Trước những khó khăn trên, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở quản lý chuyên ngành, địa phương nơi thực hiện dự án và các đơn vị liên quan thường xuyên báo tình hình thực hiện, kết quả xử lý định kỳ vào ngày 13 và 27 hàng tháng cho đến khi kiến nghị được xử lý dứt điểm.

Trong cuộc họp giải quyết vướng mắc đầu tư công mới đây, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, biểu dương 15 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn cao hơn mức trung bình của cả tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị phải quyết liệt và khẩn trương hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công; hàng tuần tổ chức cuộc họp kiểm tra tình hình giải ngân; phải kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ.

Ông Hoàng cũng yêu cầu các địa phương chủ động đề xuất, đưa ra các giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. "Việc xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể liên quan", ông Hoàng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm