Theo hãng thông tấn Yonhap, bản án của Tòa án Seoul kết luận “thái tử” Samsung đã chi khoảng 6,38 triệu USD để tài trợ cho con gái của bà Choi Soon-sil, bạn lâu năm của bà Park Geun-hye. Ông Lee cũng bị cáo buộc hối lộ 38 triệu USD để chính phủ tạo “bôi trơn” cho việc kinh doanh của Samsung. Luật sư của ông Lee cho biết sẽ kháng cáo quyết định trên.
Điều đáng nói là nguồn tin từ Tập đoàn Samsung của hãng tin Reuterscho biết doanh nghiệp này vẫn chưa lên “kế hoạch B” trong trường hợp ông Lee Jae-yong, lãnh đạo trực tiếp của Samsung hiện tại, bị giam giữ. Các quan chức cho biết hiện tại vẫn không có kế hoạch thành lập một ủy ban lãnh đạo hay chỉ định người điều hành mới để thúc đẩy chiến lược và đưa ra những quyết định quan trọng. Thông cáo mới nhất của Samsung tuyên bố những quyết định kinh doanh vẫn sẽ do giám đốc điều hành trực tiếp của mỗi công ty con quyết định.
Theo người phát ngôn của Samsung Securities, công ty con của Samsung, tình hình hiện tại ở tập đoàn “khá là rối ren”. Một nhà đầu tư khác cho biết: “Tất cả doanh nghiệp của Samsung đều có thể hoạt động như thường lệ nhưng các thỏa thuận mua bán và sáp nhập lớn hay các quyết định về chiến lược dài hạn đều sẽ rất khó khăn”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hai nhà lãnh đạo trước đó của tập đoàn cũng từng bị truy tố và chỉ bị giam giữ trong thời gian ngắn. Nhà sáng lập Samsung Lee Byung-chul từng đối mặt nguy cơ bị buộc tội vì con trai buôn lậu đường hóa học. Ông Lee đã thoát tội bằng cách “quyên tặng” nhà máy phân bón cho chính phủ và “tự nguyện” từ chức giám đốc điều hành. Năm 2008, ông Lee Kun-hee, cha của “thái tử” Lee Jae-yong, cũng bị kết án ba năm tù treo vì tham ô và trốn thuế, tuy nhiên chỉ một năm sau đó ông được ân xá và tiếp tục lèo lái Samsung.
Theo tờ Korea Times, việc Samsung không có “kế hoạch dự phòng” trong tình huống này cũng có thể cho thấy tập đoàn tự tin về khả năng lãnh đạo của mình sẽ không bị giam giữ quá lâu như hai nhà lãnh đạo trước và sẽ nhanh chóng trở về điều hành đế chế hùng mạnh này.