Khó né chuyện đặt trùng tên người nổi tiếng

LTS:Đề xuất cấm sử dụng họ tên, bút danh của người nổi tiếng khi sửa đổi BLDS đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dưới đây là một số ý kiến xung quanh đề xuất khá lạ này.

Về tên họ, từ xưa đến giờ pháp luật không cấm phải đặt như thế này, thế kia mà hoàn toàn phụ thuộc vào tâm lý, tình cảm, sở thích hay đặc điểm vùng miền của cha, mẹ, ông, bà đứa bé. Tên gọi được xem là một đặc điểm riêng để gọi một người nhưng đôi lúc lại không đơn giản.

“Chiêm có ê và chim không ê”

Khi còn làm ở Sở Tư pháp TP.HCM, trong những lần tập huấn cho cán bộ tư pháp phường/xã, tôi có hướng dẫn nếu gặp trường hợp đặt tên cho đứa bé có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển cuộc sống sau này cho bé thì nên tư vấn, khuyên cha mẹ thay đổi. Tuy nhiên, do luật không cấm nên nếu họ không đồng ý đổi mà bảo lưu quan điểm thì cũng phải giải quyết cho họ. Hồi đó, thẩm quyền tham mưu cho phép đổi tên thuộc Sở Tư pháp. Mỗi ngày Sở nhận trên dưới 10 trường hợp xin đổi tên với lý do bị ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống, tâm lý của người được đặt.

Tôi nhớ hoài một trường hợp tên Cu ở Củ Chi. Từ nhỏ tới lớn ông này không băn khoăn, tâm tư gì với tên của mình. Cho đến khi ông làm ăn phát đạt và mở doanh nghiệp, lúc này ông nhận thấy tên Cu khi giao dịch, in card visit thì kỳ quá nên xin đổi tên Tuấn và được chấp thuận.

Vài tháng sau, tôi lại thấy ông lên Sở và lại xin đổi tên. Lần này, ông cho hay xin được lấy lại tên… cũ. “Tên mới quá phiền hà vì tôi phải đổi lại toàn bộ giấy tờ nhà đất, xe cộ, hộ khẩu, chứng minh… Thế nhưng chẳng có ai gọi tôi bằng tên mới, vợ con, hàng xóm, bạn bè vẫn gọi tôi là ông Cu như mấy chục năm nay. Tôi xưng tên Tuấn chẳng ai biết, tôi gọi chẳng ai nghe. Bởi vậy… thôi, cho tôi xin lại tên cha mẹ đặt” - ông này tâm sự.

Ngặt nỗi luật cho phép đổi từ tên xấu qua tên đẹp chứ không có quy định được đổi từ tên đẹp thành tên xấu. Vậy giải quyết sao đây? Cuối cùng, Ban Giám đốc Sở cũng đồng ý cho ông được đổi lại tên cũ vì hoàn cảnh ông kể là có thật.

Một chuyện khác, có cậu sinh viên tên Chiêm, chuẩn bị tốt nghiệp đại học, cũng nằng nặc xin được đổi tên. Tên này không xấu mà cũng chẳng gây nhầm lẫn nhưng theo cách gọi của người miền Nam thì giữa Chiêm và Chim là không khác biệt, vì vậy cậu bị trêu chọc suốt từ nhỏ đến lớn. Lần này, khi sắp sửa đi xin việc làm, cậu muốn “đoạn tuyệt” với cái tên cũ gây khổ sở nên xin đổi tên.

Những cái tên của nam nhầm là nữ, nữ nhầm là nam cũng hay được xin đổi vì nhân vật chính cho biết họ quá khổ sở vì bị trêu chọc, nhầm lẫn. Như cậu kia có tên Trần Lệ Tâm, cha mẹ dẫn đến xin đổi vì chữ lót “Lệ” là của nữ. Cậu bé cứ cằn nhằn, than thở cha mẹ suốt vì sao cha mẹ đặt cho con tên Lệ Tâm chi vậy, làm con mắc cỡ quá…

Lỡ đặt theo tên danh nhân, lãnh tụ

Đặc biệt, những trường hợp được đặt tên theo danh nhân, lãnh tụ mà tên tuổi đọc lên là nhận biết ngay thì gần như đều xin đổi tên. Tôi còn nhớ có cậu bé học lớp 5 tên Nguyễn Tất Thành. Tới tuổi này thì bé và các bạn đều đã biết đây là một tên gọi của Bác Hồ. Khi đi học, các thầy cô trong trường cũng rất ngại gọi tên bé dù bé có giơ tay phát biểu đi nữa. Nhiều bạn nghịch ngợm không gọi tên thật của bé mà cứ gọi bé là Bác Hồ, rồi hát những bài hát về Bác Hồ khi gặp bé. Suốt một thời gian dài đi học bị áp lực, bé không chịu nổi nên cha mẹ phải lên Sở xin được đổi tên khác.

Một số tên gọi đặc biệt như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… thì tôi chưa thấy nhưng có gặp những người tên Nguyễn Khuyến, Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo… khi họ lên xin đổi tên. Những người này cho biết cuộc sống, tâm lý của họ bị ảnh hưởng rất lớn từ lúc nhỏ đến trưởng thành khi mang những tên này. Những trường hợp này cũng được Sở giải quyết cho đổi tên.

Còn việc đặt tên theo người nổi tiếng là nghệ sĩ do cha mẹ, ông bà hâm mộ hay thể hiện sự kỳ vọng sau thì cũng rất nhiều, như tên Lệ Thủy, Minh Vương... Thế nhưng tôi chưa thấy có trường hợp nào người trùng tên với nghệ sĩ nổi tiếng mà xin đổi tên. Có lẽ áp lực với những trường hợp này không nhiều như khi được đặt tên theo các danh nhân, lãnh tụ.

Bởi vậy, tôi hay nói tên gọi gắn suốt đời với một người do đó cha mẹ, ông bà nên cân nhắc thật kỹ trước khi đặt tên cho đứa trẻ, để không gây xáo trộn đến tâm tư tình cảm, cuộc sống của bé sau này rồi dẫn đến việc phải xin đổi tên. Nếu việc đổi tên khi nhỏ tuổi thì còn đỡ xáo trộn nhưng khi đương sự đã lớn thì kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp do giấy tờ nhân thân, tài sản, bằng cấp… lâu nay đều mang tên cũ.

Tuy nhiên, về lo ngại việc đặt theo tên người nổi tiếng sẽ dẫn đến người này có thể được hưởng lợi từ thương hiệu của người kia thì tôi cho rằng khó xảy ra. Bởi lẽ dù bạn PV này có được cha mẹ đặt tên ca sĩ Mỹ Tâm thì cũng không ai nhầm lẫn bạn là ca sĩ để mà bạn được nhận những quyền lợi như của cô ca sĩ. Nếu trùng tên họ nhưng người này không dùng việc này để trục lợi thì không thể xem là vi phạm. Còn giả sử họ mạo nhận để lừa đảo gì đó thì lúc đó mới vi phạm pháp luật, mới xem xét xử lý nhưng đó là câu chuyện khác.

Do đó, quan điểm của tôi cho rằng với việc đặt tên, pháp luật không nên có quá nhiều quy định cấm, việc bảo hộ tên người nổi tiếng cũng không cần thiết.

Luật sư TRỊNH THỊ BÍCH, nguyên Trưởng phòng Tư pháp-Hộ tịch,
Sở Tư pháp TP.HCM

Sử dụng tên người nổi tiếng là bình thường

Khó né chuyện đặt trùng tên người nổi tiếng ảnh 1
Việc sử dụng họ tên, bút danh của người nổi tiếng với tôi là vấn đề bình thường. Ví dụ tên gọi cha mẹ đặt cho con có thể là kỷ niệm nào đó của cha mẹ với ý nghĩa riêng, như người ta thích một loài hoa quỳnh đẹp nên đặt tên con là Diễm Quỳnh, không lý gì có người nổi tiếng như MC Diễm Quỳnh mà con không được mang tên đó. Tôi nghĩ mỗi người có quyền yêu thích một tên gọi và sử dụng nó. Bên cạnh đó, dẫu biết tên gọi là đa dạng nhưng thực tế không chỉ Việt Nam mà các nước số lượng tên gọi cũng chỉ chừng mực nên trùng tên không phải là vấn đề gì to tát. Cái cần phân biệt ở đây là việc sử dụng tên người nổi tiếng kèm thêm hình ảnh người đó, còn việc lấy tên nào đó để đặt tên cho con cái là bình thường, không có vấn đề gì. Nếu một tiệm ăn, tiệm cắt tóc… sử dụng tên gọi Đoan Trang với tôi vẫn là bình thường nhưng nếu đi kèm hình ảnh tôi lại là câu chuyện khác. Tôi nghĩ người nổi tiếng muốn độc quyền tên mình như là một thương hiệu thì nên đăng ký thương hiệu trong lĩnh vực nào đó họ muốn kinh doanh thôi.

Ca sĩ ĐOAN TRANG

Khán giả yêu quý mới đặt tên theo

Khó né chuyện đặt trùng tên người nổi tiếng ảnh 2

Đặt tên con theo tên người nổi tiếng với tôi đó là bình thường bởi tên trùng tên không ảnh hưởng gì đến ai. Nếu ai đặt tên con là Quyền Linh tôi còn vui nữa. Người ta có quý mình thì người ta mới đặt vậy. Ví như có ai ở vùng xa nào đó không biết tôi, người ta đặt tên con là Quyền Linh, không lẽ lại đi cấm người ta? Và nếu cấm như thế thì hết tên, đâu còn để đặt? Tôi chỉ lưu ý duy nhất nếu đặt tên người nổi tiếng kèm theo nghề nghiệp, hình ảnh của người nổi tiếng đó cho mục đích kinh doanh hoặc mục đích tiêu cực thì không được. Ví dụ ai đó lấy tên diễn viên Quyền Linh kèm thêm hình ảnh tôi để kinh doanh thì tôi sẽ có ý kiến ngay.

Diễn viên QUYỀN LINH

QUỲNH TRANG ghi

Không lẽ phải ban hành danh sách người nổi tiếng?

Khó né chuyện đặt trùng tên người nổi tiếng ảnh 3

Đề xuất “né” tên người nổi tiếng thật là không ổn. Thực ra nếu đặt tên y chang tên lãnh tụ, tên những người đã định danh trong lịch sử thì hơi bị kỳ. Còn chỉ nói chung chung là người nổi tiếng thì rộng quá. Thế nào là nổi tiếng? Chuẩn mực để thành người nổi tiếng là như thế nào? Nếu quy định vậy thì Nhà nước phải ban hành danh sách những người nổi tiếng để tôi biết mà tránh. Liệu Nhà nước có làm nổi việc này không? Rồi việc quy định thế nào là gây ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người nổi tiếng cũng rất khó xác định…

Chị PHẠM MINH CHI, đường Nguyễn Văn Mại,
phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM

Không nên quy định độc quyền họ tên

Khó né chuyện đặt trùng tên người nổi tiếng ảnh 4

Trước hết, cần phải làm rõ ai có thể được xem là người nổi tiếng, tiêu chí xác định thế nào... Ví dụ một ca sĩ có chút ít tên tuổi, một tiến sĩ, một bác sĩ, một kỹ sư, một luật sư, một điều tra viên, một vị trưởng phòng có đạo đức, thành tích… thì có được xem là người nổi tiếng hay không? Thật vô tận và vô cùng, rất khó để xác định. Nếu tôi lại đổi tên trùng hoặc gần giống tên của người (tự nhận là người nổi tiếng) rồi tôi cũng hoạt động nghề nghiệp như họ rồi chẳng may tôi làm gì đó vi phạm thì lại bị quy là bắt chước và gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và quyền lợi vật chất của họ thì oan cho tôi quá. Theo tôi, lấy tên nào mà mình thích hoặc tên của ai mà mình thích là quyền của tôi, miễn tên không quá xấu hoặc gọi lên không nghe phản cảm là được. Không thể quy định sự độc quyền về họ tên, cho dù họ tên đó là của ai.

Chị NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG TRANG,
đường Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM

PHƯƠNG LOAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm