Khởi động đợt kê khai tài sản, thu nhập quy mô lớn

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2018 đặt mục tiêu cao hơn Luật PCTN 2005, theo hướng việc kê khai tài sản thu nhập không chỉ nhằm “minh bạch tài sản, thu nhập” mà phải hướng tới “kiểm soát tài sản, thu nhập” của người có chức vụ, quyền hạn.

Với mục tiêu ấy, trong lần kê khai tàn sản, thu nhập đầu tiên theo luật này, diện phải kê khai là rất rộng, phủ khắp:

1. Cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan công an, quân đội, quân nhân chuyên nghiệp.

3. Người giữ chức vụ từ phó phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, cùng người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài điểm chung là người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND thì kê khai theo luật về bầu cử thì diện phải kê khai này rộng hơn rất nhiều so với Luật cũ, chỉ buộc kê khai tài sản với:

1. Cán bộ từ phó trưởng phòng cấp huyện trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức đơn vị công lập;

2. Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Theo Luật PCTN 2018, lẽ ra việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo luật mới phải hoàn tất cuối năm 2019. Tuy nhiên, do gặp nhiều lúng túng trong quá trình xây dựng Nghị định 130 nên công tác quan trọng này bây giờ mới được triển khai, với thời hạn hoàn thành trước 31-12 tới.

Việc người có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm kê khai tài sản theo Nghị định 130 không còn vướng mắc gì. Tuy nhiên, việc quản lý bản kê khai tài sản như thế nào thì đang phải đợi Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo Điều 30 Luật PCTN.

Điều luật này phân định thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập cho tám đầu mối:

1. Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, công tác ở ở địa phương và trung ương, bao gồm đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

2. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, ngoại trừ trường hợp (1).

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, hoặc thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của mình, ngoại trừ (1).

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua cơ quan tham mưu về công tác đại biểu, kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý cán bộ của mình.

5. Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc quyền quản lý của mình, ngoại trừ (4).

6. Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

7. TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại đơn vị mình.

8. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.

Mặc dù đã phân luồng như vậy, nhưng như PLO đã đưa tin, vẫn còn những trường hợp một người nắm nhiều chức vụ, thuộc quyền quản lý của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác nhau, cần phải làm rõ thông qua Quy chế phối hợp.

Tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết việc xây dựng Quy chế phối hợp cần nhiều thời gian, nên Thanh tra Chính phủ đang tham mưu Thủ tướng ban hành một văn bản hướng dẫn tạm thời để quản lý cả triệu bản kê khai tài sản, thu nhập trong đợt kê khai đầu tiên, diện rộng nhất từ trước đến nay này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm