Đứng đầu là Man. Utd mất đứt 48 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình và 17,6 triệu bảng tiền bán vé. Cộng thêm tiền áo đấu và sản phẩm thương mại, tổng thiệt hại tài chính của Man. Utd là 116,4 triệu bảng. Tương tự, đội kế tiếp là Man. City thiệt hại 109,3 triệu bảng; Liverpool 102,6 triệu bảng; Chelsea 91 triệu bảng; Tottenham 83 triệu bảng…
Những con số quá lớn ấy khiến nhiều người tin chắc Premier League sẽ không hủy mà nó sẽ được co kéo vào một thời điểm thích hợp để các CLB không bị thiệt hại quá nặng nề.
Với bóng đá Việt Nam thì phần thiệt hại của các CLB nếu giải phải hủy vì COVID-19 lại không rơi vào bản quyền truyền hình (gần như là không), còn tiền bán vé thì chỉ rơi vào một số CLB có lượng khán giả nhà tương đối như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, SL Nghệ An, HA Gia Lai… Riêng phần sản phẩm thương mại thì lại rất khác với bóng đá Anh tức nằm ở “giá trị ưu đãi” mà các ông chủ CLB hưởng lợi từ việc nuôi đội bóng hay cam kết giúp tỉnh duy trì đội bóng.
Bóng đá Thanh Hóa mạnh, yếu đều gắn rất chặt vào sự quan tâm của bầu Đệ (bìa trái). Ảnh: CTV
Với những nhà tổ chức thì bóng lăn bộ máy mới chạy và mới có đồng ra đồng vào từ lương, chi phí làm nhiệm vụ, tập huấn, di chuyển, chế độ và mới thu được phí đá giải của các CLB.
Riêng phần cầu thủ thì hơn ai hết, họ thừa hiểu giá trị của mình lệ thuộc vào tài năng, vào hiệu ứng. Nhưng ngoài số ít cầu thủ có show, có những lời mời hay đi sự kiện thì đa phần ăn lương của CLB cũng là phần lớn của ông chủ.
Với bóng đá Việt Nam, sau dịch COVID-19 chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn chung mang tính kinh tế toàn cầu thì các CLB Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi túi tiền của các ông chủ, ông bầu. Có đội hằng năm vẫn còn xin hỗ trợ thêm từ tỉnh, có đội thì tiếng nói của tỉnh sẽ “đánh thức” các doanh nghiệp tại tỉnh “có trách nhiệm” với đội bóng. Có đội thì trông vào sự rủng rỉnh ăn nên làm ra của những ông chủ nhờ dự án hay đất vàng.
Đấy là điều mà không chỉ VFF, VPF mà những nhà làm bóng đá đều phải tính đến khi dịch qua và bóng lăn trở lại.