Không chỉ chung cư mini, cháy chung cư cao tầng hậu quả cũng khôn lường

(PLO)- Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua cho thấy còn rất sơ hở trong phòng cháy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian qua vẫn còn một số điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ.

“Trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác phòng, chống cháy nổ gặp nhiều thách thức, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản” - ông Thanh nói.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Tình hình cháy thì từ khóa trước đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua đã thể hiện chúng ta còn rất sơ hở trong phòng cháy”.

Theo bà Nga, cứ mỗi vụ cháy xảy ra ở khu vực nào thì sau đó cơ quan chức năng lại rà soát lĩnh vực đấy. Ví dụ, sau vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội và Bình Dương lại có hàng loạt chỉ thị về rà soát lĩnh vực này. Và hiện nay cả nước đang tiến hành rà soát chung cư mini sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm tại chung cư mini ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12-9 vừa qua khiến 56 người thiệt mạng và 42 người bị thương.

“Chúng tôi cho rằng công tác phòng cháy thực hiện chưa tốt. Không chỉ chung cư mini, với chung cư cao tầng khi xảy ra cháy hậu quả cũng sẽ khôn lường, không dễ mà thoát được” - bà Nga đề nghị kiểm tra lại nghị quyết về PCCC, qua đó đề xuất Chính phủ tăng thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng góp ý một số vấn đề khác thuộc lĩnh vực an ninh trật tự như hiện tượng lừa đảo qua mạng xã hội; bắt cóc và xâm hại trẻ em; thực trạng sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên; tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực.

Theo bà Nga, tình trạng thông đồng, móc ngoặc, câu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Trong đó nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, về đất đai, về y tế, về giáo dục, về quản lý tài sản công, về đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng và Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng cũng tăng cường hơn để đảm bảo các lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ” - bà Nga đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm