Ủy ban Kinh tế: Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, GDP cả năm ước đạt trên 5%

(PLO)- Ủy ban Kinh tế đánh giá tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, các động lực tăng trưởng chính chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-10, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, trong đó có kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Chu-nhiem-UBKT-Vu-Hong-Thanh.jpeg
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát.

Cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai; thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng cải thiện. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn. Đáng chú ý, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ ba liên tiếp.

“Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

“Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm” - ông Thanh cho hay dư nợ tín dụng đến ngày 21-9-2023 chỉ tăng hơn 5,9% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong ba tháng gần đây, tỉ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, 9.

“Lạm phát cơ bản chín tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng” - vẫn lời ông Thanh.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, với hơn 135.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong chín tháng…

Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng, hết chín tháng chỉ đạt hơn 51% kế hoạch và chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung” - báo cáo thẩm tra nêu có 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Cùng với đó, các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn một số khó khăn, thách thức. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy được ban hành.

Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông cũng gây rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp…

“Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm…” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm